Công bố kết quả đánh giá chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của các bộ, tỉnh vừa được Bộ TT&TT công bố, Đà Nẵng, Bộ Tài chính và Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam dẫn đầu ở 3 nhóm cơ quan được đánh giá.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội (Ảnh: VGP)

Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021.

Theo báo cáo, đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)…

Bên cạnh đó, hạ tầng số tiếp tục được cải thiện, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông.

Cả nước đã phát triển 35 nền tảng số quốc gia, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó các bộ, ngành phối hợp phát triển 50 nền tảng số khác, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…

So với cùng kỳ năm 2021, hoạt động của người dân trên môi trường số 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người dùng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng ghi nhận không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở; kinh phí dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số... 

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)
Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)

Tại Phiên họp, Ủy ban cũng công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021.

Theo đó, nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (cấp bộ) có cung cấp dịch vụ công bao gồm 17 cơ quan; không thực hiện đánh giá có 4 bộ, cơ quan. Ngoài ra, 2 cơ quan ngang bộ được xếp vào nhóm cấp bộ không cung cấp dịch vụ công.

Trong bảng xếp hạng DTI và các chỉ số chính của các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ, ngành được xếp hàng đầu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương; các bộ, ngành xếp cuối gồm Bộ Y tế, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng.

Đối với cấp tỉnh, khác với năm 2020, điểm DTI 2021 không phải là tổng điểm của 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số mà là tổng điểm của 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.

Các tỉnh, thành phố xếp hạng cao gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn; các tỉnh, thành phố xếp hạng cuối gồm Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Cao Bằng.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phạm Minh Chính khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình chuyển đổi số đạt những kết quả cơ bản. Thủ tướng cũng ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế; đặc biệt gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy công tác chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới...

DTI 2021 gồm 3 cấp là DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.  Cấu trúc DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần tập trung vào 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. DTI cấp bộ có 6 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần. DTI quốc gia gồm 24 chỉ số, các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế.

Có thể bạn quan tâm