Couche-Tard quyết tâm thâu tóm 7-Eleven, nâng đề nghị mua lại lên 47 tỷ USD

Alimentation Couche-Tard (ACT) đã nâng đề xuất mua lại Seven & i Holdings lên 47 tỷ USD, cao hơn 22% so với con số đề nghị trước đó. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của một công ty Nhật Bản với đối tác nước ngoài…

Couche-Tard quyết tâm thâu tóm 7-Eleven, nâng đề nghị mua lại lên 47 tỷ USD

Công ty Alimentation Couche-Tard (ACT) của Canada đã chủ động đưa ra một đề xuất mới cho Seven & i Holdings, doanh nghiệp Nhật Bản sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven. Theo hai nguồn tin, mức đề nghị đã tăng 22% lên khoảng 47 tỷ USD, tương đương 18,19 USD/cổ phiếu.

Ban đầu, Couche-Tard đề nghị mức giá 14,86 USD/cổ phiếu, tương đương khoảng 38,5 tỷ USD.

“Mức giá mới rõ ràng là hấp dẫn hơn nhiều so với đề xuất ban đầu. Mặc dù vẫn còn một số rào cản pháp lý, nhưng hội đồng quản trị của Seven & i nên cân nhắc thêm để xem liệu thỏa thuận có khả thi hay không”, ông Manoj Jain, nhà đồng sáng lập và giám đốc đầu tư của Maso Capital tại Hồng Kông nhận xét.

Seven & i cho biết trong một tuyên bố rằng đề xuất mới là riêng tư và không ràng buộc, đồng thời công ty dự định giữ bí mật các cuộc đàm phán theo yêu cầu của Couche-Tard.

Couche-Tard, chủ sở hữu của chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle-K, từ chối bình luận về vấn đề này.

Cổ phiếu Seven & i “nhảy vọt” gần 12% ngay sau tin tức, nhưng sự hưng phấn đã giảm bớt phần nào vào cuối ngày. Cổ phiếu chốt phiên tăng 4,7% lên 2.335 yên/cổ phiếu (15,7 USD). Điều này một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ về khả năng thành công của thương vụ.

Những nhà phê bình Seven & i, trong đó có một số tên tuổi nước ngoài như ValueAct Capital và Artisan Partners, cho rằng công ty nên tập trung vào mảng kinh doanh chính là chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven với hơn 80.000 cửa hàng trên toàn cầu thay vì “lấn sân” sang quá nhiều hoạt động khác như siêu thị, ngân hàng, nhà hàng…

Tháng trước, Seven & i từ chối giá thầu ban đầu và nhấn mạnh rằng Couche-Tard đã đánh giá thấp giá trị cũng như tiềm năng của công ty. Seven & i tuyên bố sẽ có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng giá trị doanh nghiệp của riêng mình. Giờ đây, công ty sẽ phải chứng minh được cách họ có thể mang lại lợi nhuận tốt hơn cho các nhà đầu tư.

Seven & i sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 vào 10/10, đồng thời công bố chi tiết về các kế hoạch tái cấu trúc.

Theo tờ Nikkei, lợi nhuận hoạt động quý 2 của Seven & i có khả năng giảm 20% so với cùng kỳ năm trước do lạm phát ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng tại thị trường Mỹ.

Seven & i, với mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi ở nước ngoài chiếm hơn 70% doanh thu hợp nhất, đã phủ nhận và nói rằng thông tin này không có căn cứ chính xác.

Ngoài ra, công ty có thể sẽ công bố kế hoạch bán một phần cổ phần ngân hàng Seven Bank và đơn vị siêu thị của mình trong báo cáo tài chính sắp tới, ông Travis Lundy của Quiddity Advisors lưu ý trong một ghi chú trên nền tảng Smartkarma.

Doanh nghiệp cũng đang cân nhắc việc thay đổi tên để phản ánh sự tập trung vào mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, theo báo cáo của TV Tokyo.

Tháng trước, Seven & i được chính phủ Nhật Bản phân loại là “cốt lõi" đối với an ninh quốc gia, một động thái có thể tăng cường các rào cản pháp lý đối với đề xuất mua lại của nước ngoài. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tài chính cho biết điều này không thay đổi mức độ giám sát của chính phủ hay quy trình xem xét đối với bất kỳ đề nghị mua lại nào.

Xem thêm

Circle K, 7-Eleven, 39 tỷ USD và niềm kiêu hãnh của "báu vật nước Nhật"

Circle K, 7-Eleven, 39 tỷ USD và niềm kiêu hãnh của "báu vật nước Nhật"

Vị thế của 7-Eleven như một biểu tượng không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản đã khiến tham vọng mua lại của Alimentation Couche-Tard trở nên gần như “bất khả thi", dù cho có áp lực về việc các doanh nghiệp địa phương cần cởi mở với các đề xuất đầu tư từ nước ngoài...

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…