Cuộc chạy đua giành ngai vàng giữa 5 người con của ông chủ đế chế LVMH

Ông Bernard Arnault - tỷ phú giàu thứ 2 thế giới đã nuôi dạy tất cả 5 người con để một ngày nào đó 1 trong số họ có thể điều hành tập đoàn LVMH.

Cuộc chạy đua giành ngai vàng giữa 5 người con của ông chủ đế chế LVMH

Một buổi chiều tháng 7, không lâu sau khi được Forbes vinh danh là người giàu nhất hành tinh, Bernard Arnault, người đứng đầu đế chế hàng xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton, đã diễn thuyết trên một sân khấu nhìn ra Tháp Eiffel trước đông đảo các quan chức và phóng viên Pháp.

Ở hàng ghế đầu là bốn trong số năm người con trưởng thành của ông, người con thứ năm đang theo dõi sự kiện từ New York – nơi anh là giám đốc điều hành của Tiffany & Company. Ông Arnault đã nuôi dạy tất cả 5 người con để một ngày nào đó họ có thể điều hành tập đoàn LVMH.

Quay lại sự kiện kể trên, tại đây ông Arnault tuyên bố rằng LVMH sẽ cung cấp 150 triệu euro (khoảng 161 triệu USD) để tài trợ cho Thế vận hội Paris 2024. Các công ty LVMH sẽ đóng vai trò chính. Chaumet, một thợ kim hoàn nổi tiếng bậc nhất Paris sẽ thiết kế các huy chương Olympic và rượu vang Moët Hennessy sẽ được đưa vào phục vụ trong các phòng khách sạn.

Ông Arnault tuyên bố: “Sự hợp tác sẽ giúp quảng bá nước Pháp tới toàn thế giới”. Khi máy quay truyền hình phóng to, con trai cả của ông, Antoine, người đứng đầu bộ phận truyền thông và hình ảnh của LVMH, đã hô vang: “Vì giấc mơ, chúng ta sẽ làm bằng mọi giá”.

2.jpg
Bernard Arnault, người đứng đầu đế chế hàng xa xỉ LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton.

Đó là khoảnh khắc chiến thắng, một chỉ dấu cho thấy LVMH đã gắn bó với nước Pháp như thế nào. Trong hơn 30 năm, ông đã đưa LVMH trở thành tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới và là công ty có giá trị nhất ở Pháp, với sự hiện diện tại 81 quốc gia. Các thương hiệu của ông - 75 trong số đó - là những ngôi sao của thế giới xa xỉ, bao gồm Louis Vuitton, Christian Dior, Tiffany và Dom Pérignon Champagne. Điều này đã trao cho ông quyền được tiếp cận các thủ tướng và tổng thống, đồng thời cho phép ông tích lũy một bộ sưu tập nghệ thuật xứng đáng được đưa vào bảo tàng.

Năm người con của ông Arnault được học ở những trường tốt nhất của Pháp với mục tiêu lớn lên đều đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp. Nhưng mong mỏi duy trì LVMH như là cơ nghiệp riêng của gia đình có thể buộc ông Arnault phải chọn một người lên vị trí cao hơn những người còn lại.

Trong những tháng gần đây, cổ phiếu LVMH đã giảm mạnh, giảm 19% kể từ khi đạt mức cao nhất vào tháng tư. Công ty báo cáo doanh số bán hàng tại Mỹ sụt giảm trong quý 2 và nền kinh tế Trung Quốc, nguồn thu lớn của LVMH, đang chững lại.

Cổ phiếu giảm đồng nghĩa với việc ông Arnault (hiện có tài sản khoảng 195 tỷ USD theo Forbes) tụt xuống vị trí người giàu thứ hai thế giới vào tháng 6, dưới hạng Elon Musk. Trong tháng này, LVMH đã bị thay thế vị trí công ty có giá trị nhất châu Âu bởi Novo Nordisk của Đan Mạch, nhà sản xuất Ozempic và Wegovy, những loại thuốc cực kỳ phổ biến được sử dụng để giảm cân.

Ở tuổi 74, ông Arnault vẫn đang làm việc hăng say để đảm bảo công ty của ông sẽ nằm vững chắc trong tay gia đình ông, an toàn trước những kẻ đột kích bên ngoài. Năm ngoái, ông đã thuyết phục hội đồng quản trị tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với giám đốc điều hành và chủ tịch lên 80, từ 75, đồng thời tạo ra một cơ cấu công ty đảm bảo quyền kiểm soát LVMH của gia đình. Ông cũng đưa các con của mình - mỗi người trong số họ đều được bổ nhiệm vào những vị trí dễ thấy trong công ty - với tư cách là người ra quyết định chính.

Ông Arnault đã mở rộng LVMH ngoài những vật phẩm xa hoa sang thế giới trải nghiệm, mua lại hơn 50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng lớn. Và với thỏa thuận Thế vận hội, ông đã mở rộng các xúc tu của mình sâu hơn vào thế giới thể thao.

Những thay đổi của ông Arnault đồng nghĩa với việc ông không phải nghỉ hưu vào năm sau như dự kiến ​​ban đầu. Điều đó vẫn không ngăn được những đồn đoán về việc liệu ông có thể đảm bảo rằng những người thừa kế của mình tránh được cuộc chiến vương quyền vốn thấy ở nhiều gia tộc khác hay không.

CHUYỆN THÂM CUNG BÍ SỬ

Người anh cả Delphine, 48 tuổi, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Christian Dior Couture và là thành viên của ủy ban điều hành và hội đồng quản trị LVMH. Antoine, 46 tuổi, không chỉ chịu trách nhiệm về hình ảnh và nỗ lực phát triển bền vững của tập đoàn mà còn là giám đốc điều hành thương hiệu quần áo nam Berluti, chủ tịch hãng thời trang xa xỉ Ý Loro Piana, giám đốc điều hành Christian Dior S.E. và là thành viên hội đồng quản trị LVMH. Cả hai đều đến từ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông Arnault với Anne Dewavrin. Ba người trẻ nhất đến từ cuộc hôn nhân thứ hai của ông Arnault, với Hélène Mercier, một nghệ sĩ piano hòa nhạc người Canada: Alexandre, 31 tuổi, là phó chủ tịch điều hành sản phẩm và truyền thông tại Tiffany; Frédéric, 28 tuổi, là giám đốc điều hành của Tag Heuer; và Jean, 24 tuổi, là giám đốc mảng đồng hồ của Louis Vuitton.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi tại trụ sở xa hoa kín đáo của LVMH ở Paris, ông Arnault lần đầu chia sẻ: “Việc một trong số những người con của tôi trở thành người thừa kế không phải là một nghĩa vụ hay việc buộc phải làm”.

Ông Arnault chậm rãi tiếp tục: “Người giỏi nhất, dù là ở trong hay ngoài gia đình một ngày nào đó sẽ là người kế vị của tôi. Nhưng tôi hy vọng đó không phải là một cuộc chiến trong tương lai gần”.

Tuy nhiên, di sản rõ ràng vẫn nằm trong tâm trí ông Arnault. Ông lớn lên ở Roubaix, nơi từng là trung tâm dệt may đang bùng nổ ở miền bắc nước Pháp, và chứng kiến ​​các triều đại công nghiệp gia đình sụp đổ khi con cháu rời mắt khỏi công việc kinh doanh hoặc phung phí tài sản thừa kế.

Ông nói: “Sau một hoặc hai thế hệ, cơ nghiệp gia đình sụp đổ vì họ làm quá dễ dàng”. Đó là một sai lầm mà ông thề sẽ không phạm phải với chính con mình. Ông Arnault nói: “Tôi không muốn các con khởi đầu bằng việc đi dự những bữa tiệc lớn. Tôi đã khiến chúng phải làm việc”.

Hàng tháng, năm anh chị em nhà LVMH gặp bố trong bữa trưa trên tầng cao nhất của trụ sở công ty. Trong một tiếng rưỡi, họ thảo luận về công việc kinh doanh, bao gồm cả tài chính, hay chi tiết đường cong của chiếc vòng tay trên chiếc đồng hồ Vuitton mới trị giá 50.000 euro, những buổi giới thiệu sản phẩm sắp ra mắt và những gì đạt được trên mạng xã hội về các sự kiện đỉnh cao.

Người con trai Jean nói: “Chúng tôi bàn bạc mọi việc nhưng cuối cùng, bố mới là người quyết định”.

Trong bối cảnh vui vẻ, các anh chị em cho biết, ông Arnault đang đánh giá xem từng đứa con của mình đang tiến bộ như thế nào.

Tốt nghiệp trường École Polytechnique ưu tú của Pháp, ông Arnault đã trau dồi kỹ năng toán học cho con mình gần như mỗi tối trước giờ ăn tối. Antoine kể lại rằng việc đạt điểm thấp hơn mức hoàn hảo trong các kỳ thi quan trọng là “không thể chấp nhận được”.

Jean nói đùa về việc có “24 năm kinh nghiệm, vì bữa trưa và bữa tối của anh luôn xoay quanh công việc”.

Ian Rogers, cựu giám đốc kỹ thuật số của LVMH cho biết Alexandre đã nói với ông rằng: “Việc học về kinh doanh của tôi bắt đầu khi tôi 9 tuổi, trên bàn ăn sáng”.

Đến năm 10 tuổi, Delphine đã cùng cha đến các cửa hàng Dior. Ông đã cùng các con đi kiểm tra các tài sản của LVMH ở Paris vào cuối tuần như một thói quen trong hơn ba thập kỷ. Alexandre nói: “Tôi nhớ, lúc 7 tuổi, tôi đã nghĩ ‘Tại sao bố lại làm điều này và tại sao bố lại hỏi cùng một câu hỏi với cùng một nhân viên bán hàng vào mỗi thứ Bảy trong năm?’”

Người cha ghép mỗi đứa con của mình với một người cố vấn khi chúng bước vào công việc kinh doanh, để dạy về thương hiệu và theo dõi hiệu quả hoạt động của chúng. Delphine và Antoine bắt đầu ở những vị trí mới vào nghề (Delphine bán nước hoa Dior ở tuổi 17) trước khi lên vị trí lãnh đạo. Pierre-Yves Roussel, cựu giám đốc tập đoàn thời trang LVMH và giám đốc điều hành hiện tại, cho biết, ba người trẻ nhất đã nhanh chóng đảm nhận các vai trò cấp cao hơn, “có lẽ vì ông ấy cảm thấy thời gian không còn nhiều và thấy cần phải đẩy nhanh quá trình học hỏi của các con”.

Tất cả họ đều hiểu rằng bản thân gia đình giờ đây cũng là một thương hiệu giống như những thương hiệu mà họ sở hữu và đã không lãng phí thời gian để quảng bá sự hiện diện của mình.

AI SẼ NGỒI TRÊN NGAI VÀNG?

Trong vòng chưa đầy hai năm làm việc tại Tiffany, Alexandre đã giúp ký kết thỏa thuận với Beyoncé và Jay-Z, tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội. Năm 2016, Alexandre thuyết phục cha mình mua lại Rimowa, một nhà sản xuất vali nhôm của Đức, được thành lập vào năm 1898. Ông ngay lập tức bắt tay vào việc làm cho công ty này trở nên hấp dẫn.

Delphine đã tạo ra Giải thưởng LVMH dành cho Nhà thiết kế thời trang trẻ, một giải thưởng cao cấp và được coi trọng trong giới. Còn Antoine đã mở rộng cánh cửa đóng kín trước đây của nhiều công ty LVMH bằng chuỗi “ngày mở cửa” mời công chúng vào bên trong các nhà máy và xưởng.

Những người con trong gia tộc LVMH cho biết cha của họ chưa bao giờ ép buộc họ gia nhập LVMH. Mặc dù vậy, Frédéric cho biết, “bố đã tìm ra cách khiến tôi muốn cống hiến cả cuộc đời mình cho công việc kinh doanh của gia đình như cách ông ấy đã làm”.

Gia tộc LVMH thậm chí đã lớn mạnh hơn nữa sau hai cuộc hôn nhân hào nhoáng: Antoine kết hôn với người mẫu và nhà từ thiện Natalia Vodianova, và Alexandre với Géraldine Guyot, người sở hữu thương hiệu phụ kiện Destree, độc lập với LVMH. Người yêu của Delphine là doanh nhân kỹ thuật số và tỷ phú, Xavier Niel.

Đối với một gia đình cố gắng giữ kín khối tài sản của mình, bảng xếp hạng “người giàu nhất” năm nay đã mang đến “một điểm sáng” không mong muốn.

Antoine nói: “Bạn thực sự không hề chuẩn bị cho sự chú ý mà bạn nhận được khi đứng đầu danh sách đó”.

287b918f-4e1b-449e-84b0-afdc16636a49_b29b8073.jpg

Vào tháng 4, khi các cuộc biểu tình rầm rộ trên toàn quốc ở Pháp tập trung phản đối nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron nhằm tăng tuổi nghỉ hưu từ hai năm lên 64, những người biểu tình đã xông vào trụ sở LVMH, đốt bom khói và tố cáo ông Arnault là hiện thân của giới siêu giàu.

“Ông ta là biểu tượng cho những gì sai trái trong xã hội này!” một người hét lên. Trong tháng này, khi ông Arnault thông báo rằng gia đình Arnault sẽ quyên góp 10 triệu euro cho Restos du Coeur, một ngân hàng thực phẩm, các nhà phê bình cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ nhặt.

Hiện nay, ông Arnault vẫn nỗ lực nhấn mạnh những đóng góp kinh tế của công ty: Hàng trăm nghìn việc làm được tạo ra trên toàn thế giới, 5,5 tỷ euro nộp thuế hàng năm ở Pháp và những khoản tiền khổng lồ cho nghệ thuật và văn hóa, năng lượng bền vững, khoa học, nghiên cứu, thể thao...

Điều không ai tranh cãi là ông Arnault hiểu rõ tiềm năng của hàng xa xỉ như một công cụ tạo ra lợi nhuận. Câu hỏi bây giờ là ai có thể giữ sự khao khát ở trung tâm của LVMH trong thời đại phản đối và bất ổn kinh tế toàn cầu?

Năm ngoái, ông Arnault đã mày mò xây dựng lại cơ cấu công ty trong đế chế của mình, tập trung quyền ra quyết định cho 5 người con. Mỗi người có 20% cổ phần và họ không thể bán cổ phần của mình trong 30 năm nếu không có sự chấp thuận nhất trí của hội đồng quản trị.

Sidney Toledano, người đứng đầu tập đoàn thời trang LVMH và là một trong những giám đốc điều hành lâu năm nhất của ông Arnault, cho biết những người thừa kế của ông “đã được đào tạo bởi cầu thủ giỏi nhất thế giới: Tất cả họ đều biết kinh doanh”.

Delphine cho biết các anh chị em đang bắt đầu thảo luận về cách họ có thể nuôi dạy con cái của mình với cùng tinh thần trách nhiệm đã được truyền cho họ. Ông Arnault đã bắt đầu đưa cô con gái đang học tiểu học của Delphine đi dạo một vòng các cửa hàng vào cuối tuần.

Nhưng Alexandre nói thêm: “Khi chúng đến tuổi có thể đảm nhận trách nhiệm, cha tôi có thể vẫn là CEO của LVMH. Lúc đó ông ấy sẽ 110 tuổi”.

Xem thêm

Top 15 gia đình đa thế hệ giàu nhất châu Á năm 2023

Top 15 gia tộc giàu nhất châu Á năm 2023

Với tổng tài sản hơn 400 tỷ USD, 15 gia tộc có nhiều thế hệ giàu nhất châu Á đã định hình và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của châu lục này...

Có thể bạn quan tâm

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

"Trump 2.0": Những cú "quay xe" bất ngờ

Chuẩn bị quay lại Nhà trắng lần thứ 2, ông Trump vẫn giữ những quan điểm cứng rắn: Tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, trục xuất di dân... Nhưng ở một số lĩnh vực, Trump 2.0 có thể sẽ rất khác so với Trump 1.0.

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Cuộc đua sở hữu siêu du thuyền xa xỉ của các tỷ phú công nghệ

Sở hữu siêu du thuyền không chỉ là một thú chơi xa xỉ mà còn là biểu tượng của quyền lực và đẳng cấp trong giới siêu giàu công nghệ. Từ Jeff Bezos, Mark Zuckerberg cho đến Larry Ellison, họ đều không ngại ngần đầu tư hàng trăm triệu USD cho những “cung điện” trên biển của mình…

Bộ Tư pháp Mỹ muốn Google "chia tay" trình duyệt Chrome

Bộ Tư pháp Mỹ muốn Google "chia tay" trình duyệt Chrome

Bộ Tư pháp Mỹ đang yêu cầu Google bán trình duyệt Chrome để giải quyết các cáo buộc độc quyền trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo. Đây được xem là động thái gay gắt từ chính quyền Biden trong nỗ lực kiềm chế các tập đoàn công nghệ lớn…

Kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với suy thoái

Kinh tế Đức tiếp tục đối mặt với suy thoái

Tăng trưởng kinh tế Đức được dự báo sẽ tụt hậu hơn so với mặt bằng chung của khu vực đồng Euro trong năm nay, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đối mặt với suy thoái. Bên cạnh đó, tình trạng nghèo đói ở người cao tuổi cũng đang gia tăng ở mức đáng báo động…

Giá dầu ô liu dự kiến hạ nhiệt sau mốc đỉnh lịch sử

Giá dầu ô liu dự kiến hạ nhiệt sau mốc đỉnh lịch sử

Giá dầu ô liu toàn cầu đang dần hạ nhiệt khi sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong mùa vụ 2024-2025. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn đối mặt với vô số thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, vì vậy cần có sự chuyển đổi sâu rộng để đảm bảo tăng trưởng bền vững…

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…