Đại gia Hà Nội bỏ 100 tỷ 'ôm' 15 căn biệt thự tỉnh lẻ

Thị trường bất động sản các tỉnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư Hà Nội, mới đây tại một dự án đã có đại gia xuống tiền mua 15 căn biệt thự, với tổng số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Đại gia Hà Nội bỏ 100 tỷ 'ôm' 15 căn biệt thự tỉnh lẻ

Nhà đầu tư quan tâm tới thị trường BĐS các tỉnh

Theo tiết lộ của giám đốc một sàn bất động sản, danh tính vị đại gia này không được tiết lộ. Chỉ trong ngày mở bán đầu tiên tại một dự án ở Quảng Ninh, ông đã đặt mua 15 căn biệt thự ngay trung tâm Hạ Long. Trung bình mỗi căn của dự án này giá từ 7-15 tỷ đồng, tổng số tiền mà đại gia Hà Nội bỏ ra cũng lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Đô, Giám đốc kinh doanh dự án BĐS, cho biết, khách hàng mua đầu tư cũng nhiều, người mua sử dụng cũng có. Họ có thể mua để ở, để làm văn phòng hoặc để kinh doanh. Những căn biệt thự lớn có thể có giá tới 15-20 tỷ đồng, đắt ngang ngửa với nhiều dự án tại Hà Nội và TP.HCM.

Nói về độ chịu chơi, các đại gia Hà Nội luôn đứng đầu bảng trong danh sách giao dịch bất động sản tại nhiều khu vực.

Trường hợp người Hà Nội đặt mua vài lô đất không còn là chuyện hiếm. Cách đây không lâu, tại một dự án ở Đà Nẵng, cũng có một giám đốc từ Hà Nội ôm cả va ly tiền mặt tới đặt mua gần 10 lô đất. Những lô đất này đều ở vị trí khá đẹp, mức giá từ 3-5 tỷ đồng/lô.

Thống kê của các sàn bất động sản, khách hàng tới từ Hà Nội luôn chiếm ưu thế. Đơn cử như thị trường Đà Nẵng, từ năm 2014 đến nay, thị tăng lên đột biến khi khách Hà Nội chiếm khoảng từ 50% lượng khách giao dịch.

Trong khi đó, đáng chú ý, số lượng sản phẩm bán cho khách hàng Hà Nội lại chiếm khoảng 65% lượng sản phẩm bán ra, tức trung bình một khách hàng Hà Nội mua hơn một sản phẩm. Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, khách hàng từ Hà Nội chiếm 75-85% giao dịch thành công.

Nhờ lượng khách đến từ Hà Nội mà thị trường bất động sản các tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa, hay Đà Nẵng, Phú Quốc sôi động hơn hẳn. Trung bình dịp cuối tuần, sàn bất động sản ở Quảng Ninh đón hơn 1.000 lượt khách tới từ Hà Nội, ông Tuân, một nhân viên tư vấn ở Hạ Long cho biết.

Ông Long cho hay, từ đầu năm tới nay, nhân viên của sàn đều phải làm việc cả thứ bảy và chủ nhật. Ngoài tư vấn về mua bất động sản, các sàn còn lo cho khách cả ăn trưa, đi lại và nghỉ ngơi tại địa phương.

Nắm bắt cơ hội có một không hai này, nhiều DN đã tranh thủ đẩy mạnh đầu tư xây dựng các khu đô thị lớn để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao của khách hàng.

Giải thích lý do, bất động sản các tỉnh đang được nhà đầu tư quan tâm, ông Long cho rằng, giá nhà đất tại Hà Nội quá cao. Bên cạnh đó, thị trường này cũng có nhiều rủi ro, có dự án mất hơn chục triệu cho mỗi mét vuông chỉ chưa đầy một tháng. Do không muốn tiếp tục mạo hiểm và đối đầu với nguy cơ rủi ro cao nên các nhà đầu tư đã tìm kiếm một thị trường đầu tư mới thích hợp hơn.

Đầu cơ tăng trở lại?

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, giám đốc sàn BĐS cho biết, đa phần khách hàng mua bất động sản tại các tỉnh là các nhà đầu tư, còn số lượng khách hàng ở địa phương chưa nhiều. Mặc dù vậy, hiện nay giá bất động sản tại các tỉnh không còn rẻ như trước đó.

Đại gia Hà Nội bỏ 100 tỷ 'ôm' 15 căn biệt thự tỉnh lẻ ảnh 1
 Hiện tượng đầu cơ gây ảnh hưởng tới thị trường

Tình trạng các nhà đầu tư ôm đất đã từng để lại hậu quả cho thị trường. Như Đà Nẵng là một ví dụ điển hình. Sau cơn sốt đất Đà Nẵng , thị trường rơi vào đóng băng, hàng loạt khu đất để hoang do phần lớn các nhà đầu tư tới từ Hà Nội ôm đất để chờ thời bán chênh lệch. Đồng thời, thị trường bất động sản ở đây cũng “đóng băng” trong thời gian dài.

Theo thống kê, 85% khách hàng của các dự án BĐS tại Đà Nẵng đến từ Hà Nội và hầu hết đây là các nhà đầu cơ. Trong năm 2010 vừa qua, BĐS tại Hà Nội rất được giá nên hầu hết các nhà đầu tư Hà Nội đều bán ra và mạnh tay đầu cơ vào Đà Nẵng với mong muốn giữ tiền khỏi mất giá và thu lợi nhuận vì đất Đà Nẵng dễ mua và có mức tăng trưởng ổn định.

Tuy nhiên, tính thanh khoản đất không cao nên các nhà đầu tư cũng đang kẹt vốn. Trong khi nguồn cung lại đang rất dồi dào, dẫn đến tình trạng nhà đất tại Đà Nẵng sẽ xuống dốc.

Rút bài học từ những năm trước, đại diện các sàn bất động sản đều cho rằng, người mua giờ đã thận trọng hơn và đòi hỏi khắt khe hơn. Nếu vị trí và giá cả trước đây là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua thì hiện họ xem xét thêm tình trạng xây dựng, tiện ích bên trong của dự án, danh tiếng của nhà quản lý và mua để cho thuê lại.

Theo Duy Anh/Vietnamnet

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…