Danh ca Khánh Ly: Lời chia tay nhẹ nhàng

Năm 2012, dự định trở về Việt Nam ca hát sau khi xa quê hương từ những năm 1975 của danh ca Khánh Ly không thành, do bà bận các chương trình hát Thánh ca cho Nhà thờ và nhiều lý do khác…
Danh ca Khánh Ly: Lời chia tay nhẹ nhàng

Sức hút của danh ca Khánh Ly

Hai năm sau, tháng 5/2014, show diễn đầu tiên: “Live concert Khánh Ly” tại Trung Tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, mới trở thành hiện thực. Show diễn “cháy vé” bởi khán giả đang mong ngóng được nghe tiếng hát danh ca sau nhiều năm xa xứ cho dù giá vé khá cao, từ 900 ngàn đồng/chiếc tới -7-8 triệu/cặp, đây được coi là số tiền không nhỏ với công chúng. Mức “cát xê” của Khánh Ly cũng không hề nhỏ, nếu không muốn nói là cao nhất từ trước đến nay dành cho các ca sĩ hải ngoại.

Lý giải điều này, ông Ngọc Sơn - chủ phòng trà Đồng Dao - đơn vị mời và tổ chức chương trình “Live concert Khánh Ly” cho biết: “Ca sĩ Khánh Ly từng được nhiều đơn vị khác ngỏ lời mời biểu diễn, nhưng do chỗ tôi và chị Khánh Ly vốn thân thiết với nhau từ trước nên khi chúng tôi có kế hoạch cụ thể và ngỏ lời thì chị đã đồng ý. Chị nhận lời tôi vì tôi không đặt vấn đề tiền bạc với chị ấy, chị cũng chưa bao giờ hỏi “cát xê” là bao nhiêu. Tôi biết, chị đi hát không phải vì tiền, mà vì đam mê và ước mơ trở về hát trên quê hương sau bao năm xa cách”.

Nếu chương trình tháng 5/2014 thành công rực rỡ cả về tinh thần lẫn thương mại, thì tới show diễn 2/8-2014, nghĩa là chỉ cách 3 tháng sau show diễn đầu tiên, chương trình “Khánh Ly in Hà Nội” lại thất bại về mặt thương mại. Giá vé vẫn giữ mức cao như show đầu tiên, đây là điều chưa hợp lý, bởi cùng thời điểm tháng 8, khá nhiều show được tổ chức tại Hà Nội, khán giả có nhiều lựa chọn thay vì bỏ một số tiền quá lớn để đi xem lại show của Khánh Ly lần thứ 2.

Tuy nhiên, không vì thế mà ban tổ chức nản lòng, họ khẳng định sẽ còn các show Khánh Ly ở các nơi khác, bởi chỉ cần danh ca Khánh Ly còn cảm xúc và muốn quay trở lại Hà Nội hát thì ban tổ chức luôn tạo điều kiện để bà thỏa tâm nguyện. “Chúng tôi làm việc này trước hết vì nguyện vọng hát trên quê hương của Khánh Ly”– người đại diện cho ban tổ chức chia sẻ.

4 năm trôi qua, Khánh Ly đã có một số show lớn ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tháng 8/2018 Khánh Ly trở về bắt tay với công ty Đông Đô, bà lý giải: “Một phần vì nếu nhận lời mời của công ty Đông Đô, tôi được tham gia đi làm từ thiện, điều mà tôi mong muốn, cho dù chúng tôi không có đóng góp gì nhiều ngoài tấm lòng”.

Lần này, điểm diễn thuận lợi ở Nhà Hát Lớn, số lượng vé có hạn, và giá vé có vẻ “mềm mại” hơn từ 500-3.000.000 đồng/chiếc. Có thể do giá vé vừa phải và chủ đề: “Như một lời chia tay” khiến cho khán giả khá nhiều cảm giác, cho nên, rất nhiều người mua vé để tri ân tiếng hát của một danh ca mà họ đã nghe “free” trên đĩa, trên mạng bao nhiêu năm nay.

Giới chơi đĩa nhạc xưa cũng tìm tới để hạnh ngộ, tâm sự với giọng ca bất hủ đi cùng năm tháng với nhạc Trịnh.

 

Anh Nguyễn Thượng Thành và Lê Tuấn Nghĩa còn lưu giữ được chiếc đĩa Khánh Ly, Sơn Ca 7 trên bài có in hình bà cùng chữ ký từ năm 1969 nên đã tới xin chữ ký của bà. Vậy là anh đã sở hữu chiếc đĩa có 2 chữ ký của Khánh Ly cách nhau 50 năm. Anh tâm sự: “Ông bố tôi mê nhạc blolero, hồi đó, tôi mới 6-7 tuổi chưa hiểu gì nhiều, nhưng nghe nhiều quá nên cũng bị ảnh hưởng bời dòng nhạc đó và mê giọng ca độc đáo của Khánh Ly. Bà là người hát nhạc Trịnh hay nhất, được nghe bà kể chuyện và tâm sự rất chân thành về cuộc đời và nghiệp ca hát, tôi cảm thấy rất may mắn”.

Những nỗi buồn nhẹ

Nhà Hát Lớn tháng 8/2018, mưa tháng 8 mang mùi của bão, vậy mà khán phòng của Nhà Hát Lớn vẫn đông nghẹt người tới nghe show Khánh Ly – Như một lời chia tay. Trước đó, trong cuộc tiệc trà, danh ca Khánh Ly đã trần tình với câu hỏi tại sao có tin đồn bà chết vào tháng 7/2018: “Người ta thường hay đưa các tin đồn về tôi. Tôi thực buồn và không hiểu vì sao lại như vậy. Có hôm người ta gọi cho con tôi và hỏi đã đem xác mẹ về chưa? Con tôi thì nhỏ, chúng hoang mang và sợ hãi. Tôi đâu có thời gian vào mạng đọc báo, hay dùng Facebook gì đâu, tôi cũng không hiểu vì sao họ ác ý với tôi như vậy. "Có những tin đồn, còn ác ý hơn cả cái chết".

Danh ca giải thích về chủ đề của chương trình lần này “Như một lời chia tay” chỉ đơn giản “như một lời chào, lời chào trước, hay chào sau, cũng là lời chào nhẹ nhàng mà thôi. Làm sao để một thời gian sau này khi nhớ về Khánh Ly, các em có thể nhớ tới là, thành phố này đã có một ca sĩ đi qua đây, đã ngồi đây, trò chuyện cùng nhau”.

Khánh Ly của thời hiện tại với những chiếc áo dài giản dị, vẫn như xưa, như ngày đầu tiên đi hát cùng Trịnh Công Sơn tại Quán Văn (vốn chỉ là bãi đất rộng nhưng có rất nhiều khán giả ngồi vây quanh), Khánh Ly run quá đứng không vững phải bám vào người Trịnh, và cuối cùng là bỏ nốt đôi giầy để hát bằng chân đất. Bà khẳng định: “Tôi hát nhạc Trịnh lần đầu tiên không có chuẩn bị gì hết cho nên khi nào bước xuống, cũng đơn giản thôi”, xem ra tâm thế của danh ca đã săn sàng cho những “buổi xế chiều” của mình.

Với Hà Nội, sự trở về của Khánh Ly rất có ý nghĩa, bởi bà sinh ra ở phố 106 Hàng Bông và được cha mẹ cho đi học tại trường Albert Sarraut tức là trường Trần Phú, Hà Nội bây giờ. Năm 1956, Khánh Ly theo mẹ di cư vào Nam. Với bà, “Hà Nội, người Hà Nội lại một lần nữa cho tôi được đứng đây. Rất nhiều thời gian đã trôi qua, nhiều sự thay đổi, nhưng tôi chắc, cái hồn của Hà Nội vẫn vậy. Ở tuổi này đôi khi chỉ còn lại là kỷ niệm. Tôi yêu cuộc sống này, dẫu như một lời chia tay, sắc đẹp, tiền bạc, danh vọng, chúng ta không mang theo được, cái còn, có chăng chỉ là những kỷ niệm về nhau…”.

73 tuổi, tiếng hát đã trải qua màu của thời gian, Khánh Ly vẫn như đang chìm vào những hoài niệm với người nhạc sỹ đã cùng nhau trải qua năm tháng đẹp nhất của đời bà. Lời ca của Trịnh Công Sơn làm cho bà đôi khi buồn bã, nhưng lại luôn có cảm giác được chia sẻ, được an ủi, cảm thấy ấm áp, không còn tuyệt vọng nữa. Nhạc của Trịnh dù buồn, nhưng không phải cái buồn gây cho người ta muốn chết, mà chỉ là cái buồn nhè nhẹ, giống như tình yêu cũng nhẹ như thế, bởi chính ông là con người như thế.

"Trịnh Công Sơn làm cho Khánh Ly luôn tìm thấy nơi nương tựa, an ủi trong những tháng ngày xa nhà, nhìn mưa rơi, nhìn nắng lên, ngồi khóc, và biết mình đã mơ xa, mơ ước được trở lại. “Tôi có nhạc của ông Trịnh, như có một người yêu "trong suốt". Và tôi còn sống được, yêu cuộc đời này, là bởi có nhạc của ông!”.

Những năm tháng song hành cùng Trịnh Công Sơn, cái thời mà bà có thể hát 30-40 bài trong 1 đêm, đói khổ, nhưng hạnh phúc. “Không mê hát, tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn 10 năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết tới ngày mai, không cần ai biết đến cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc”. Và những giây phút khi ngồi “uống rượu” cùng Trịnh, dẫu cho Khánh Ly không phải là người uống rượu, nhưng cứ thấy Trịnh Công Sơn rót đầy chén là bà lại tự san cho mình một nửa bởi sợ ông uống nhiều sẽ bị bệnh, và ông Trịnh lại rót thêm cho đầy… “Nghĩ tới những đêm, ông chỉ có một mình, lòng tôi lại se thắt lại”.

“Thí dụ bây giờ tôi phải đi”

Trong tất cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn, có một ca khúc mà danh ca Khánh Ly đặc biệt cảm nhận được hình bóng của mình, đó là bài “Yêu dấu tan theo”. Bài hát này là lời trách móc nhưng đầy yêu thương giữa bộn bề cuộc sống của những người vì cơm áo gạo tiền mà lăn lộn với đời: Em theo đời cơm áo/Mai ra cùng phố xôn xao/Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo…”Cái chữ “Mai” vừa có ý nghĩa về thời gian, mà lại vừa là tên riêng của ca sĩ Khánh Ly. Nhưng bà cũng rất khiêm nhường khi cho rằng, cái ý nghĩ đấy là chỉ của riêng bà mà thôi, chứ có khi không phải đây là ca khúc ông viết cho riêng bà.

Chỉ có duy nhất bản “Thí dụ” Trịnh Công Sơn viết riêng tặng Khánh Ly khi ông nghĩ bà đã chết vào năm 1975 - và tới năm 1992, khi hai người gặp nhau ở Canada, ông mới lấy bài hát này ra để dạy cho bà hát. “Thí dụ, bây giờ tôi phải đi/Tôi phải đi/Tay chia ly cùng đời sống này/Có chiều hôm đưa chân tôi về biên giới mới/Nghe ra quanh tôi đêm dài, có còn ai, trong yên vui về yêu dấu ngồi”.

Trịnh Công Sơn viết tiễn biệt người em của mình, mà như phảng phất những suy ngẫm về sự ra đi của chính mình: “Nếu thật, hôm nào em bỏ đi/Em bỏ đi, sau lưng em còn con phố dài/Những hàng cây, loan tin nhau, rồi im tiếng nói/Quanh đây, hoang vu tiếng cười, có ngày xưa, em theo tôi cùng ra quán ngồi/Bên đời, xe ngựa ngược xuôi/Nếu thật, hôm nào tôi phải đi/Tôi phải đi, ôi bao nhiêu điều chưa nói cùng/Với bình minh, hay đêm khuya và từng trưa nắng/Bao nhiêu sen xanh sen hồng, với dòng sông, hay anh em và những phố phường/Chắc lòng, rất khó bình an…”.

Với chủ đề xuyên suốt “Như một lời chia tay”, các bài hát trong chương trình như “Ướt mi – Thương một người – Phôi Pha”, “Lặng lẽ nơi này”, “Bên đời hiu quạnh”, “Ở trọ”, “Có một dòng sông đã qua đời”, “Thí dụ”, “Như một lời chia tay” như những lời ca chia sẻ về cuộc sống trầm tư mà không bi lụy, triết lý nhân sinh mà không u uẩn, dẫu cho đó là sự chia lìa nhưng người nghệ sĩ muốn gửi gắm thông điệp của mình: “Hãy yêu nhau đi, khi rừng thay lá… hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui…”

Bài: Tuệ Lam
Ảnh: Quang Bảo

Có thể bạn quan tâm

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Khám phá những lễ hội mùa đông đẹp nhất thế giới

Mùa đông là thời điểm tuyệt vời để khám phá các lễ hội độc đáo trên khắp thế giới. Từ hội chợ Giáng sinh ở London cho đến lễ hội ánh sáng Amsterdam, mỗi sự kiện đều hứa hẹn mang đến trải nghiệm khó quên…

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Nhật ký Gapado: Tha thứ!

Mang danh một nhà văn, tôi phải đến những nơi này, để hiểu thấu được từng nỗi đau của dân tộc tôi và của các dân tộc trên thế giới đã từng trải qua chiến tranh...

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Nhật ký Gapado: Đảo mèo hạnh phúc

Vẫn tâm trạng háo hức của kẻ đang khám phá vùng đất mới. Sáng thường ngủ dậy muộn nên bữa sáng cũng gần với bữa trưa, xong xuôi tôi ngồi vào bàn viết để ngắm nhìn bầu trời trong xanh trước mặt và đám cây cỏ...

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Nhật ký Gapado: Chào xứ Hàn bằng… đặc sản “mùi”

Ra khỏi nhà, khi bước chân đầu tiên của tôi đặt chân lên con đường đất dường như gặp lại tuổi thơ của mình và tôi đã nhìn thấy một cô bé 5 tuổi trong cánh đồng hoa bướm, cô bé đó như đang đuổi bắt một con bướm. Tim tôi đã ngân lên những nốt nhạc...

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Khám phá xứ sở thần tiên ở phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ

Từ những bậc thang travertine trắng xóa đến những hồ nước khoáng kỳ diệu, Pamukkale không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên mà còn là nơi giao thoa giữa lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp huyền bí của Thổ Nhĩ Kỳ…