Đánh thuế tỷ phú: Giải pháp công bằng hay rào cản phát triển?

Việc đánh thuế tỷ phú hiện là một chủ đề đang được thảo luận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Mục tiêu của các đề xuất này là để giảm bớt sự bất công trong hệ thống thuế và tăng thu nhập cho các dự án xã hội như giáo dục, y tế hoặc hỗ trợ cho người nghèo…

global-billionaire-tax-could-yield-250-billion-study-1371.jpg

Đánh thuế tỷ phú là một đề tài đầy mẫu thuẫn, nơi các cuộc thảo luận không ngừng xoay quanh các khía cạnh về sự công bằng, tác động kinh tế và trách nhiệm xã hội. Trong bối cảnh bất bình đẳng về thu nhập và tài sản tiếp tục là vấn đề nổi cộm trên toàn cầu, việc áp thuế đối với các cá nhân giàu có ngày càng nhận được sự chú ý và ủng hộ từ các nhà hoạch định chính sách, các nhóm vận động xã hội cũng như công chúng.

Cho dù thông qua thuế thu nhập, thuế lãi vốn, thuế bất động sản hay các hình thức thuế khác, câu hỏi về mức độ đóng góp của những người giàu vào ngân sách công cần được xem xét kỹ lưỡng bởi câu chuyện này không chỉ đơn giản là về tiền bạc, mà còn liên quan đến sự công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế và vai trò của chính phủ trong việc phân phối lại của cải.

CÁCH “NÉ” THUẾ CỦA GIỚI SIÊU GIÀU

Cho đến gần đây, thật khó để biết giới siêu giàu đóng thuế như thế nào. Mặc dù là một chủ đề luôn được quan tâm, nhưng những số liệu thống kê lại “im ắng” một cách kỳ lạ. Khi báo cáo ở một số quốc gia được công khai, thì công chúng lại nhận thấy rằng giới siêu giàu thậm chí còn đóng thuế ít hơn một người dân bình thường. Ví dụ, tại Hà Lan, một người dân bình thường vào năm 2016 đã đóng góp 45% thu nhập cho chính phủ, trong khi các tỷ phú ở đây chỉ đóng có vỏn vẹn…17%.

Tại sao những người may mắn nhất thế giới này lại chỉ trả một mức thuế quá nhỏ so với những gì họ kiếm được? Câu trả lời đơn giản là trong khi hầu hết chúng ta sống nhờ vào tiền lương thì những “ông trùm” như Jeff Bezos lại sống nhờ vào tài sản của họ.

zucman-superjumbo-2364.jpg

Năm 2019, khi vẫn còn là CEO của Amazon, ông Bezos chỉ nhận mức lương hàng năm là 81.840 USD nhưng ông lại sở hữu tới 10% cổ phần của công ty. Vào năm 2023, Amazon đã kiếm được mức lợi nhuận là 30 tỷ USD và nếu Amazon chia lợi nhuận cho các cổ đông dưới dạng cổ tức thì ông Bezos chắc chắn sẽ phải đối mặt với một khoản thuế khổng lồ. Nhưng Amazon lại không trả cổ tức cho các cổ đông. Berkshire Hathaway hay Tesla cũng vậy. Thay vào đó, các công ty này giữ lại lợi nhuận và tái đầu tư, khiến các cổ đông của họ thậm chí còn giàu có hơn.

Trừ khi ông Bezos, Warren Buffett hay Elon Musk bán cổ phiếu của mình, thì khoản thu nhập phải chịu thuế của họ là tương đối nhỏ. Nhưng họ vẫn có thể thực hiện những giao dịch mua sắm đắt đỏ bằng cách vay mượn bằng tài sản của mình. Điển hình như Elon Musk đã sử dụng cổ phiếu của mình ở Tesla làm tài sản thế chấp để huy động khoản vay miễn thuế trị giá khoảng 13 tỷ USD để mua lại Twitter.

Bên ngoài nước Mỹ, việc “né” thuế của giới siêu giàu thậm chí còn dễ dàng hơn.

Lấy Bernard Arnault, người giàu nhất thế giới làm ví dụ. Cổ phần của ông Arnault tại tập đoàn xa xỉ giá trị nhất Châu Âu LVMH, thực tế thuộc về các công ty nắm giữ (holding company) mà ông kiểm soát. Vào năm 2023, cổ phần của ông Arnault đã nhận được khoảng 3 tỷ USD cổ tức từ LVMH.

Pháp - giống như các nước châu Âu khác - hầu như không đánh thuế các khoản cổ tức này vì trên giấy tờ là các công ty nhận được chúng. Tuy nhiên, ông Arnault có thể tiêu số tiền này như thể nó được gửi trực tiếp vào tài khoản ngân hàng cá nhân vậy, miễn là ông làm việc thông qua các tổ chức hợp nhất khác - chẳng hạn như hoạt động từ thiện, hoặc để duy trì du thuyền hay mua thêm các công ty khác.

screenshot-2024-05-30-at-152547-7865.png
Trên thực tế, giới tỷ phú ở các quốc gia giàu có như Mỹ, Pháp còn đóng thuế ít hơn một người dân bình thường

Trong quá khứ, những người giàu có thường phải trả các khoản thuế khổng lồ cho lợi nhuận doanh nghiệp - nguồn thu nhập chính của họ. Và tài sản mà họ truyền lại cho những người thừa kế cũng phải chịu thuế tài sản. Nhưng cả hai loại thuế này đã bị loại bỏ hoặc thu hẹp trong những thập kỷ gần đây. Ví dụ, Mỹ đã cắt giảm mức thuế doanh nghiệp tối đa từ mức 35% xuống 21% vào năm 2018 và thuế thừa kế thì gần như đã biến mất.

Theo Cơ quan quan sát thuế EU, những người siêu giàu ở các nước lớn thường đóng thuế ít hơn nhiều so với người dân bình thường. Và tài sản của họ hầu như không bị đánh thuế, với mức thuế suất thực tế hiện chỉ là 0%-0,5%. Các hành vi, ví dụ như trốn thuế bất hợp pháp, khai thác lỗ hổng trong hệ thống thuế hay đơn giản là chuyển sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn, đều đang tước đi nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các chính phủ tại thời điểm nợ nần tăng cao.

ĐỀ XUẤT THUẾ TỶ PHÚ TOÀN CẦU

Một trở ngại trong việc đánh thuế giới siêu giàu là nguy cơ họ có thể chuyển sang các nước khác có mức thuế thấp hơn. Ở châu Âu, một số tỷ phú gây dựng tài sản ở Pháp, Thụy Điển hoặc Đức nhưng lại chọn định cư ở Thụy Sĩ, nơi họ chỉ phải trả một mức thuế rất nhỏ so với ở quê nhà.

Do vậy, đã có nhiều ý kiến được đưa ra về việc làm thế nào để việc “né” thuế trở nên khó khăn hơn: Đó là mức thuế tối thiểu toàn cầu. Năm 2021, hơn 130 quốc gia đồng ý áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn. Vì vậy, bất kể công ty hoạt động hay thu về lợi nhuận ở đâu, thì họ vẫn phải trả ít nhất một khoản thuế cơ bản theo thỏa thuận.

Vào tháng 2 vừa qua, trong khuôn khổ cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Nhóm G20, một đề xuất mới về thuế tối thiểu phối hợp khác đã được trình bày. Loại thuế này không đánh vào các tập đoàn lớn mà trực tiếp áp dụng đối với các tỷ phú. Trên thực tế, ý tưởng là khá đơn giản: Các tỷ phú sẽ phải nộp thuế thu nhập - chẳng hạn như 2% - tài sản của họ mỗi năm.

Với ông Bernard Arnault, người nắm trong tay khối tài sản khoảng 210 tỷ USD, sẽ phải trả một khoản thuế bổ sung tương đương 4,2 tỷ USD nếu ông không phải trả thuế thu nhập thông thường. Tổng cộng, đề xuất này sẽ cho phép các quốc gia thu được khoảng 250 tỷ USD doanh thu thuế bổ sung mỗi năm từ các tỷ phú, thậm chí còn nhiều hơn cả doanh thu từ thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn.

merlin-194894607-7bc825be-9dfd-4fab-8bea-619278422def-articlelarge-5827.jpg

Và rõ ràng là đã có những bước tiến mới đối với dự định này. Các quốc gia như Brazil, nước chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, đã thể hiện khả năng dẫn dắt xuất sắc khi nêu bật vấn đề chương trình nghị sự. Còn Pháp, Đức, Nam Phi và Tây Ban Nha gần đây cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với mức thuế tỷ phú tối thiểu trên toàn cầu. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng có cùng mục tiêu và cam kết sẽ triển khai đề xuất này nếu tái đắc cử nhiệm kỳ mới.

Hay như diễn biến mới nhất, chính phủ Nga cũng đã đưa ra một đề xuất về thuế tỷ phú, trong đó dự kiến sẽ áp thuế 13% đối với những cá nhân có thu nhập 2,4 triệu rúp (27.000 USD) một năm và tối đa sẽ là 22% đối với thu nhập hàng năm vượt quá 50 triệu rúp (555.000 USD). Đề xuất này sẽ cần được phê duyệt thông qua bởi Quốc hội Nga và sau đó Tổng thống Vladimir Putin sẽ ký thành luật.

Tuy nhiên, đề xuất này cũng gặp phải nhiều tranh cãi về tính công bằng và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Những người ủng hộ cho rằng việc này có thể giảm bất bình đẳng xã hội khi tái phân phối của cải và tăng nguồn thu cho ngân sách công để mở rộng đầu tư vào y tế, giáo dục và hạ tầng công cộng.

Ngược lại, những người phản đối cho rằng đánh thuế tỷ phú có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt là làm giảm động lực đầu tư và sáng tạo của giới doanh nhân - những người đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế. Việc đánh thuế cao cũng sẽ khiến các tỷ phú tìm cách chuyển tài sản và đầu tư ra nước ngoài, dẫn đến sự thất thoát nguồn lực quan trọng và giảm thiểu khả năng cạnh tranh toàn cầu. Thêm vào đó, việc triển khai chính sách này cũng gặp nhiều thách thức, từ chi phí hành chính cao đến việc đối phó với các chiêu trò tránh thuế tinh vi của giới siêu giàu.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu tạo ra một hệ thống thuế công bằng và thúc đẩy hiệu quả kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cần phải thiết kế các biện pháp một cách tỉ mỉ và chiến lược, đảm bảo rằng vừa có thể thu hút đầu tư vừa phân phối công bằng nguồn lực xã hội, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Honda và Nissan bắt tay sáp nhập

Honda - Nissan: Sáp nhập hay là "chết"?

Thông tin về việc Honda và Nissan tìm kiếm thỏa thuận sáp nhập cho thấy các nhà sản xuất ô tô đang tìm cách đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc, thị trường trong nước đang thu hẹp cũng như mối đe dọa về thuế quan...

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…