Theo dự kiến tuyến đường có chiều dài 134km, khổ đường 1.435mm sẽ bắt đầu từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ (theo hướng đường cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận). Trên kế hoạch, các đoàn tàu có thể chạy vận tốc cao nhất lên đến 200km/h.
Sẽ có 10 nhà ga được phân bổ dọc tuyến đường. Đồng thời, khu vực quanh những nhà ga này sẽ được quy hoạch thành các thành phố vệ tinh phát triển theo hướng công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao.
Đây là dự án mà TP.HCM và các tỉnh Miền Tây Nam bộ đã ấp ủ từ nhiều năm qua mà cơ sở ban đầu chính là Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2002. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành năm 2024.
Ông Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Giao thông vận tải (Sở GTVT) TP.HCM phối hợp với Sở GTVT các tỉnh tuyến đường đi qua để thống nhất quy hoạch, từ đó trình Bộ GTVT phê duyệt.
Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) TP.HCM được giao nhiệm vụ cùng Sở KH&ĐT các tỉnh, cùng Viện Khoa học Công Nghệ Phương Nam, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) và một tập đoàn của Canada thống nhất phương thức hợp tác.
Nếu tuyến đường sắt này được thực hiện, người dân chỉ mất khoảng 45 phút đi lại giữa TP.HCM và Cần Thơ. Do tầm quan trọng của tuyến đường, trong các cuộc tiếp xúc với nước ngoài lãnh đạo TP.HCM cũng thường bày tỏ mong muốn được trợ giúp.
Trước đó, vào tháng 11/2013 Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam và Tập đoàn EDES (Mỹ) đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng dự án trên. Thậm chí trước đó vài tháng một ngân hàng Trung Quốc đã đề nghị cho vay 1 tỷ USD để thực hiện dự án.
Vào tháng 9/2016, trong buổi làm việc với ông Hisayuki Fujii – Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang cũng đã đặt vấn đề để phía Nhật Bản hỗ trợ TP.HCM trong nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt này.
Đức Mạnh
>> Đường sắt Việt Nam đang bị "bỏ quên"?