Ngày 24/11, ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đề nghị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo kết luận điều tra, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, ông Thanh cùng hai con gái và một số người đã cho vay lấy lãi dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng.
Khi cho vay, ông Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản ghi trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều so với thực tế.
Cơ quan điều tra cáo buộc khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh đã chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản.
Mặc dù bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ gốc và nợ lãi theo thỏa thuận nhưng ông Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2019 đến tháng 11/2020, Bộ Công an cho rằng ông Thanh và các đồng phạm đã chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại gồm 2 dự án Minh Thành, Nhơn Thành của bà Đặng Thị Kim Oanh, 29 thửa đất của anh Nguyễn Văn Chung, 4 thửa đất của ông Lâm Sơn Hoàng và 2 thửa đất của anh Nguyễn Huy Đông. Tổng giá trị các tài sản được cho là 767 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích, đủ yếu tố cấu thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Trước đó, vụ án liên quan chủ tịch Tân Hiệp Phát đã được Bộ Công an (C01) khởi tố từ tháng 3/2021 để làm rõ những lùm xùm liên quan đến đơn tố cáo gia đình ông Thanh.
Đến tháng 11/2022, cơ quan điều tra Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án do hết thời hạn và cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác giám định. Đến đầu tháng 4/2023, cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị bắt.