Theo đó, tại kết quả nghiên cứu "Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình", VESS cho biết thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao.
Cụ thể, các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP nhằm duy trì ổn định của thị trường xăng dầu cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh, nhưng cũng gián tiếp khiến thị trường xuất hiện nhiều dấu vết của các nhóm lợi ích muốn duy trì vị thế thị trường.
Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu giúp Chính phủ đảm bảo an ninh năng lượng, giúp ổn định kinh tế thị trường do xăng dầu là một trong những chi phí đầu vào quan trọng cấu thành lên giá của các sản phẩm khác. Nhưng việc kiểm soát giá xăng dầu có thể gây ra tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ có thể bị thua lỗ, buộc phải đóng cửa, rút khỏi thị trường do giá xăng dầu cơ sở không sát với giá thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời có thể ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng khi giá xăng cơ sở cao hơn so với giá xăng dầu thực tế trong nước.
Do đó, VESS cho rằng Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan cần tính đúng và tính đủ giá xăng dầu cơ sở, đảm bảo cân bằng hài hòa lợi ích của các bên.
VESS đề xuất, để thị trường xăng dầu vận hành dưới sự giám sát của Nhà nước, có thể giúp tăng tính tự do của thị trường, Chính phủ nên xem xét nghiên cứu hình thành, xây dựng sàn giao dịch xăng dầu trong nước. Điều này sẽ tác động đến giá xăng dầu cốt lõi trong tính giá cơ sở, cũng như giải quyết vấn đề về dự trữ xăng dầu quốc gia.
Tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8%-10%) và bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng hai tháng (12/4/2022 đến 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục sáu lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).