Cùng với đó có ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga để hình thành nên các thành phố sân ga...
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã đưa ra đề xuất như trên tại phiên thảo luận của Quốc hội dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) ngày 30/5.
Theo đại biểu Cảnh, ông thống nhất với các nội dung quy định về đường sắt tốc độ cao quy định thành riêng một chương như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu Cảnh cho rằng dự thảo luật vẫn chưa đưa ra nguồn lực xây dựng đường sắt tốc độ cao trong tương lai sẽ lấy từ đâu.
"Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu quy định về đường sắt tốc độ cao như trong dự thảo luật là rất cần thiết để có cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao khi đất nước có điều kiện", đại biểu Cảnh cho biết.
Tuy nhiên, theo vị đại biểu này, với tình hình nợ công như hiện nay, nếu chờ đến khi đất nước có điều kiện thì phải rất lâu chúng ta mới làm được.Trong khi đó, nếu phát triển không đồng đều các phương thức vận tải thì sẽ không bảo đảm sử dụng hiệu quả hệ thống giao thông Việt Nam xét về lâu dài.
"Đường sắt mới chính là phương tiện vận chuyển giá rẻ cho hàng hóa và an toàn cho hành khách", ông Cảnh nói.
Đáng lưu ý, theo ông Cảnh, trong quá trình phát triển đất nước, vay vốn nước ngoài để phát triển hạ tầng là tất yếu. Tuy nhiên, lệ thuộc quá nhiều về vốn thì chúng ta phải chịu rủi ro về chất lượng và giá thành.
"Thực tế chúng ta đã gặp sự cố về chất lượng, về giá thành bị đội lên của nhiều dự án. Chúng ta có thể để nợ lại cho con cháu, nhưng cũng phải cố gắng để lại cho con cháu những dự án có chất lượng để con cháu sẽ tiếp tục sử dụng vận hành, góp phần phát triển đất nước và tạo ra lợi nhuận để trả nợ cho quốc gia", ông Cảnh nói.
Để có vốn xây dựng đường sắt tốc độ cao đi qua 21 tỉnh, thành phố theo ông Cảnh, Chính phủ cần trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, khi lọc báo cáo tiền khả thi để từ đó có thể xây dựng được ít nhất 21 khu đô thị tại các ga hành khách và ga hàng hóa mới.
"Cùng với đó có ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga để hình thành nên các thành phố sân ga như mô hình của nhiều nước có ngành đường sắt phát triển để có tiền dành cho đầu tư dự án, tạo vốn từ chính nguồn lực của chúng sẽ giúp chúng ta không phải vay vốn hoặc có vay cũng rất hạn chế, không bị lệ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào", ông Cảnh đề xuất.
Cũng theo ông Cảnh, nếu chúng ta làm được như vậy thì có quyền lựa chọn công nghệ phù hợp, chất lượng bảo đảm và giá thành hợp lý, cư dân của các khu đô thị này cũng là những khách hàng tiềm năng của đường sắt tốc độ cao do lợi thế về khoảng cách đi lại so với các phương thức vận tải khác.
"Công nghệ phù hợp, chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý, có lợi thế về khách hàng thì dự án khi hình thành sẽ hoạt động hiệu quả, giảm áp lực vận tải cho giao thông đường bộ, tạo điều kiện phát triển đất nước và người dân, doanh nghiệp sẽ được sử dụng đường sắt tốc độ cao với giá hợp lý", ông Cảnh nêu.
Cũng theo ông Cảnh, nếu Chính phủ càng sớm tiến hành khảo sát lộ trình tuyến đường sắt tốc độ cao thì việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sau này sẽ càng thuận lợi hơn.
Qua phân tích như trên, ông Cảnh đề nghị ngoài các chính sách được quy định tại Điều 5 và Điều 6 thì cần bổ sung trong dự thảo luật tại Điều 79 chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao có một nội dung, đó là ưu tiên điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để phát triển đường sắt tốc độ cao và các khu đô thị tại các ga đường sắt tốc độ cao.
Theo N.Mạnh/ Bizlive
>> Vay 53.000 tỷ làm đường sắt đô thị: Không thể không vay