Đề xuất xây dựng luật về quản lý các dự án đầu tư PPP

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; trong đó, có hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).

Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất các hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đồng thời, quy định rõ hơn các cơ chế, biện pháp thu hút, bảo đảm đầu tư thông qua công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh của Chính phủ…

Hợp tác công-tư còn nhiều bất cập

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định 15), Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 30) và một số thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan.

Tại thời điểm ban hành, hai Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài) vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đến thời điểm này, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15 và Nghị định 30 không nhiều, hầu hết vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Những dự án trong giai đoạn xây dựng hoặc vận hành chủ yếu là các dự án chuyển tiếp từ khung pháp lý cũ. Cụ thể như Nghị định 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao, hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT).

Qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT và đặc biệt là Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các dự án BOT giao thông, một số bất cập của các dự án BOT, BT thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP như: hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư đồng thời, tiềm ẩn rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Việc công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai.

Việc giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, khó khăn về nguồn vốn để thực hiện việc chuẩn bị và tham gia đầu tư theo các dự án PPP được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình này.

Ngoài ra, còn xuất hiện các bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo khoảng cách 70km; thời gian thu phí chưa phù hợp; đồng thời, chưa có quy định rõ ràng về việc lựa chọn những dự án “nâng cấp, cải tạo” hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước dẫn đến việc người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo…

Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tasco, nhà đầu tư vẫn trông chờ một hành lang pháp lý thống nhất, hoàn thiện về PPP. Luật PPP ban hành càng sớm thì tốc độ đầu tư của doanh nghiệp vào kết cấu hạ tầng càng nhanh.

Tạo hành lang pháp lý minh bạch

Để tính pháp lý trong hợp đồng PPP được nâng cao, đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài thì quy định cũng như kỹ năng xác định và phân bổ rủi ro của các cơ quan nhà nước Việt Nam cũng cần phải được nâng cao.

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Bộ đang hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ đề xuất xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Và nếu được Quốc hội thông qua chương trình xây dựng Luật, dự kiến có thể báo cáo Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào năm 2020 hoặc 2021.

Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư cần quy định, cụ thể hoá các rủi ro trong việc thực hiện dự án PPP trên nguyên tắc “rủi ro sẽ được phân chia cho bên có khả năng tốt nhất để quản lý rủi ro đó.”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ hướng đến giải quyết một số nhóm vấn đề chính gồm: nâng cao hiệu quả đầu tư; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án PPP; công khai, minh bạch thông tin trong quá trình đầu tư; trình tự, thủ tục đầu tư; biện pháp thu hút đầu tư; tính pháp lý của hợp đồng PPP.

Nhiều chính sách mới dự kiến đưa vào Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ làm thay đổi hẳn tư duy, cách thức làm dự án PPP như hiện nay. Ví dụ như cách lựa chọn dự án PPP, thay vì khi không thể bố trí được nguồn lực nhà nước mới chuyển sang làm PPP như hiện nay, thì sẽ chọn các dự án tốt nhất, khả thi nhất để ưu tiên làm PPP, nếu thị trường không quan tâm mới quay lại sử dụng vốn nhà nước.

Thay vì quản lý dự án PPP theo đầu vào như hiện nay bằng cách áp đặt sẵn công trình, dịch vụ, thì chuyển sang quản lý theo đầu ra bằng cách đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn đầu ra của công trình, dịch vụ, để nhà đầu tư có sự chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trong việc triển khai và chấp nhận nguyên tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu…

Nhiều nhóm chính sách sẽ giúp minh bạch, công khai tối đa quá trình lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án PPP, đặc biệt là hợp đồng PPP. Khi toàn bộ quá trình được minh bạch, thì sẽ dần không còn chỗ cho những tiêu cực, thông thầu và nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ yên tâm tham gia các cuộc thầu minh bạch, sòng phẳng.

Bà Vũ Quỳnh Lê cho rằng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với khung pháp lý cao nhất, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách. Theo đó, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất các hoạt động đầu tư, trường hợp các pháp luật khác có quy định khác quy định của PPP thì thực hiện theo quy định của PPP. Trình tự, thủ tục đầu tư được quy định chặt chẽ, phù hợp với tính chất dự án PPP, các loại hợp đồng, quy mô và cấp quản lý khác nhau, chú trọng việc cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân cấp, từ đó nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư của các dự án PPP...

Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ tạo dựng một sân chơi bình đẳng giữa nhà nước và doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư; đồng thời, sẽ tạo ra hành lang pháp lý thống nhất, minh bạch, thông thoáng, đủ sức hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm tham gia các dự án PPP có vòng đời dài, nhiều rủi ro.

Có thể bạn quan tâm