Đến tháng 6 mới áp dụng thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo Tổng cục Đường bộ, việc thay đổi thời điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nhằm bảo đảm nhu cầu tham gia giao thông và trật tự an toàn giao thông thời gian diễn ra SEA Games 31.
Đến tháng 6 mới áp dụng thu phí không dừng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Tổng cục Đường bộ dự kiến lùi thời điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến tháng 6 để phục vụ việc tổ chức SEA Games 31.

Thay vì chính thức triển khai từ ngày 5/5 như thông báo trước đó, Tổng cục Đường bộ cho biết thời điểm áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ được lùi đến tháng 6.

Theo Tổng cục Đường bộ, việc thay đổi này nhằm bảo đảm nhu cầu tham gia giao thông và trật tự an toàn giao thông thời gian diễn ra SEA Games 31 (tổ chức tại Việt Nam từ ngày 5/5 đến 23/5).

Bên cạnh đó, việc lùi thời điểm áp dụng đến tháng 6 cũng phù hợp với báo cáo của Bộ GTVT trình Chính phủ. Theo đó, Bộ GTVT cho biết cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chính thức thí điểm chỉ thu phí ETC trong tháng 6. Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến tháng 6 có tối thiểu 90% ôtô đang lưu hành trên cả nước được dán thẻ ETC.

Hiện tại, tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65% (tăng khoảng 10% so với tháng trước đó). Tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng trên tuyến đạt 50% trên tổng lưu lượng xe (thời điểm tháng 3/2022) tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.

Do tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát nên các hoạt động kinh tế - xã hội đã hồi phục nên việc thu phí tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã có sự khởi sắc so với hai năm vừa qua. Kết thúc quý I/2022, cao tốc Hà Phòng đã thu được hơn 392 tỷ đồng; trong đó, thu phí qua ETC là 178 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2021 của các trạm thu phí trên tuyến cao tốc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 1.254 tỷ đồng; trong đó doanh thu thu phí qua hình thức ETC đạt hơn 306 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.587 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng, thiết bị hơn 30.500 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng gần 3.700 tỷ đồng, chi phí tư vấn gần 1.160 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến là 105,5 km, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, có 6 trạm thu phí.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, sau khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác đã sớm phát huy ý nghĩa kinh tế - xã hội, đặc biệt là giúp tốc độ phát triển kinh tế của trục tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quang Ninh tăng trưởng ấn tượng. 

Có thể bạn quan tâm