Đền thờ Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam

Đền Rồng là nơi thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng, nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Đền thờ Lý Chiêu Hoàng - nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam

Đền Rồng tọa lạc tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chính điện thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng, vị vua thứ 9 và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Lý. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, dưới thời Trần. Sau đó, đền đã nhiều lần đổ nát và được phục dựng lại, lần gần nhất là vào dịp Đại Lễ 1000 năm Thăng Long, Hà Nội.

den_tho_ly_chieu_hoang-2

Theo một số tài liệu, Lý Chiêu Hoàng được coi là người không giữ được nhà Lý nên không được thờ chung ở Đền Đô cùng 8 vị vua Nhà Lý. Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng chỉ được thờ ở phía Tây Đền Đô, tức làng Long Vỹ (Đình Bảng) - đuôi của con Rồng, từ đó đền có tên là Đền Rồng.

den_tho_ly_chieu_hoang-16

Hiện nay, khuôn viên đền được đánh giá là rộng rãi, khang trang, bao gồm: Chính điện, tiền đường, gian thờ Mẫu, nhà khách, sân chầu... Lư Hương được đặt phía trước gian tiền đường để du khách thập phương dâng hương khi đến lễ nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng.

den_tho_ly_chieu_hoang-4

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà chào đời, nhà Lý đã vào thời kỳ suy tàn. Bà Chiêu Hoàng tên húy là Phật Kim, sau đổi thành Thiên Hinh. Do vua Huệ Tông không có con trai nên đã lập Thiên Hinh làm hoàng thái tử để truyền ngôi.

den_tho_ly_chieu_hoang-5

Bên trong chính điện, tượng vua Lý Chiêu Hoàng với phong thái uy nghiêm, đầu đội miện Kim Khôi, mình khoác áo long bào ngự trên ngai vàng trong điện thờ, xung quanh là các bức hoành phi, câu đối được trang hoàng linh thiêng và lộng lẫy.

den_tho_ly_chieu_hoang-15

Bức họa trên tường mô phỏng cảnh nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng thiết triều. Theo chính sử, Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) mất vào đầu năm Mậu Dần (1278) tại quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), thọ 60 tuổi, lăng mộ đặt ở bên rừng Báng thuộc đất Đình Bảng, dân gian gọi đó là lăng Cửa Mả.

den_tho_ly_chieu_hoang-6

Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời với bao biến cố đã khiến bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.

den_tho_ly_chieu_hoang-13

hu di tích Đền Rồng được các cụ trong thôn Long Vỹ thường xuyên chăm sóc, duy tu. Bà Hoàn (68 tuổi) cho biết: “Thôn đã lập ra Ban chấp hành gồm 20 người, để thay nhau trông coi Đền, mỗi ngày sẽ có hai người phụ trách quét dọn, đón tiếp du khách thập phương đến tham quan, cúng lễ.”

den_tho_ly_chieu_hoang-14

“Đền Rồng thu hút khách thăm viếng nhiều nhất là vào mùa xuân vì du khách sau khi lễ ở Đền Đô sẽ đến Đền Rồng như một cuộc viếng thăm trọn vẹn các vị vua nhà Lý. Tuy nhiên hàng năm cứ đến ngày 23 tháng 9 âm lịch, người dân trong thôn lại tổ chức lễ hội tại Đền Rồng để tưởng nhớ ngày mất của vua bà Lý Chiêu Hoàng. Đây cũng là dịp thu hút rất nhiều du khách tới đền”, bà Hoàn nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm