Thay HĐQT mới
Sáng ngày 25/6/2019, CTCP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (mã: OCH) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019 tại Hà Nội. Đại hội được tiến hành với sự tham dự của 31 cổ đông và đại diện theo ủy quyền, tương ứng với 190.499.731 cổ phần, chiếm 95,25% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự họp.
Công ty đã mời đại diện Công ty Luật Vietthink tham dự để đảm bảo tính chính xác và công khai, minh bạch của đại hội. Ngoài ra, đơn vị thừa phát lại cũng tham dự theo uỷ quyền của một số cổ đông.
Cuộc họp ĐHCĐ năm nay của OCH gây chú ý vì công ty mẹ - Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) vừa có sự thay đổi toàn bộ ban điều hành HĐQT và Ban kiểm soát với sự tham gia của các ứng viên đến từ nhóm cổ đông mới. Sau cuộc họp ĐHCĐ kéo dài 17 giờ, OGC đã bầu 5 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024 mới gồm: bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Nguyễn Thành Trung, ông Mai Hữu Đạt, ông Bùi Anh Sang, bà Nguyễn Mai Phương. Trong đó, ông Mãi Hữu Đạt được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ocean Group. Cùng với 3 thành viên Ban kiểm soát mới cũng là ứng viên từ nhóm cổ đông lớn mới lộ diện.
Nội dung quan trọng của kỳ họp năm nay là bầu nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2019-2024.
Nhóm cổ đông mới của OGC tiếp tục đưa người tham gia HĐQT và Ban kiểm soát OCH nhiệm kỳ 2019-2014 để nắm quyền kiểm soát công ty chủ lực của OGC. Các ứng viên HĐQT gồm: bà Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Giang Nam (3 đại diện của OGC). Hai thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Thế Vinh và Dương Thái Long cũng là đại diện của OGC.
Ban kiểm soát có 4 ứng viên gồm: Vũ Xuân Dương, Nguyễn Đức Trung, Dương Thị Mai Hương đều là đại diện của OGC, Trần Thị Kim Oanh.
Khó thu hồi nợ 625 tỷ đồng?
Tại phần thảo luận, một số cổ đông OGC đã chất vấn HĐQT công ty về tình hình thu hồi công nợ, trong đó có khoản nợ khó đòi của Chủ tịch HĐQT Hà Trọng Nam hơn 625 tỷ đồng vẫn “treo” trên báo cáo tài chính suốt nhiều năm qua. Mặc dù ông Nam đang nợ công ty số tiền lớn, khó đòi nhưng vẫn giữ vị trí Chủ tịch?
Tại đại hội, ông Mai Hữu Đạt – đại diện cho cổ đông lớn Ocean Group nắm 55,55% cổ phần OCH đã chất vấn trách nhiệm của HĐQT vì sao năm 2018 tiến hành 38 cuộc họp HĐQT mà các nghị quyết ban hành không công bố nội dung cụ thể, nhất là không đề cập việc thu hồi nợ? Hiện nợ phải thu lên tới 1.900 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng nợ khó đòi…
Bà Nguyễn Lan Hương, Thành viên HĐQT OCH và Chủ tọa đại hội cho biết trong nhiều năm qua, sau biến cố lớn, Ban lãnh đạo đã và đang rất nỗ lực để thu hồi công nợ, khoản nào đánh giá khả thi thì cũng đã thu đòi về. Trong các cuộc họp đều trao đổi, tìm giải pháp khả thi để sớm thu hồi công nợ cho công ty.
Về khoản nợ 625 tỷ đồng của ông Nam, theo bà Lan Hương, hiện công ty vẫn tích cực phối hợp với ông Hà Trọng Nam để xử lý khoản công nợ này. “Quan điểm làm việc của chúng tôi là tìm giải pháp để xử lý. Nếu đi kiện một người mà không có khả năng trả nợ và người đó vẫn nỗ lực phối hợp để trả nợ có nên không? Trong 1 năm qua, chúng tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm đối tác để bán cổ phần CTCT Tràng Tiền, cũng có đối tác quan tâm và trả giá rất tốt. Song cổ phần này có liên quan tới ông Hà Văn Thắm (đang thụ án) nên việc xử lý rất phức tạp”.
Bà Lan Hương chia sẻ, trong biến cố vừa qua, ông Hà Trọng Nam đã có vai trò rất quan trọng khi đoàn kết các công ty trong tập đoàn, gắn bó và gánh vác công việc điều hành các công ty, nỗ lực xử lý công nợ chung… Thậm chí, ông Nam đã lấy uy tín cá nhân, thuyết phục các đối tác, nhà thầu tiếp tục ở lại hỗ trợ OCH, xây dựng tiếp dự án StarCity Nha Trang để có thể hoàn thành vào đầu năm 2016. Vấn đề của ông Nam, theo bà Hương chỉ là “tai nạn” trong biến cố bất ngờ liên quan tới em trai mình.
Một số cổ đông đã yêu cầu HĐQT công khai hồ sơ hợp đồng mua cổ phần CTCP Tràng Tiền, và giải trình vì sao không đưa cổ phần này về làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ hơn 625 tỷ đồng của ông Nam, khiến cho OCH phải trích lập dự phòng lớn, ảnh hướng tới tình hình tài chính?
Theo giải thích của lãnh đạo OCH, thời điểm năm 2015, đây là bản hợp đồng đặt mua cổ phần kèm theo điều kiện về pháp lý của dự án, mà điều kiện này chưa thực hiện được thì chưa thể lấy cổ phần.
Hơn nữa, thời điểm 2015, ban lãnh đạo OCH nhận thấy CTCP Tràng Tiền có khoản nợ rất lớn tại một ngân hàng của bên thứ ba, nên quyết định không đưa cổ phần này về, để tránh làm xấu thêm tình hình tài chính của công ty khi ấy và cũng là lựa chọn phù hợp ở thời điểm xảy ra biến cố của tập đoàn.
ĐHCĐ thường niên của OCH đã thông qua các báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và kế hoạch năm 2019. Cụ thể, năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 1.147 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 17 tỷ đồng.
Từ tháng 6/2015, OCH thay đổi HĐQT nhiệm kỳ 2014-2019 với 5 thành viên: ông Hà Trọng Nam, ông Lê Đình Vinh, bà Nguyễn Thị Dung, bà Nguyễn Thanh Hương và bà Nguyễn Thị Lan Hương. HĐQT đã đề ra đường lối, chiến lược nhằm khôi phục và củng cố lại hoạt động của công ty và các đơn vị thành viên, nỗ lực xử lý công nợ… Nhờ đó, OCH đã cơ cấu thành công khoản nợ của Công ty Sao Hôm Nha Trang tại Ocean Bank từ nợ xấu nhóm 5 về nợ nhóm 1; tiếp cơ cấu khoản nợ của IOC tại Ngân hàng MSB. Hoạt động kinh doanh của tất cả các đơn vị thành viên đều khởi sắc và đạt kết quả tốt, năm sau tốt hơn năm trước ở các mảng khách sạn, du lịch, thực phẩm, bất động sản… Trong giai đoạn 2014-2019, OCH liên tục báo lỗ, nhưng đến năm 2018, công ty đã có lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng. |