ĐHCĐ thường niên 2017 của CTCP Nông Nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL AGrico, mã: HNG) diễn ra trong thời điểm công ty có những tín hiệu tích cực hơn về kế hoạch tái cơ cấu các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu… Cổ phiếu HAG và HNG trên sàn chứng khoán thời gian qua đã tăng trưởng mạnh mẽ, củng cố niềm tin của thị trường về kết quả “đại phẫu” doanh nghiệp tỷ đô này.
Báo cáo về kết quả kinh doanh ảm đạm năm 2016, Ban điều hành cho biết, công ty đã đạt doanh thu 3.469 tỷ đồng, chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bò thị với sản lượng tiêu thụ bò đạt 122.740 con. Doanh thu thuần đạt 4.776 tỷ đồng, song HNG bị lỗ sau thuế tới 1.020 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo giải trình nguyên nhân lỗ chủ yếu do, gánh nặng lãi vay quá lớn, biên lợi nhuận ngành thịt bò giảm, giá trị một số tài sản sụt giảm mạnh…
Trong nỗ lực cơ cấu tài sản, HNG đã bán vốn góp tại CTCP Mía đường Hoàng Anh Gia Lai cho Tập đoàn Thành Thành Công từ ngày 31/8/2016.
Các mảng kinh doanh, trồng cao su, cọ dầu ở Việt Nam, Lào, Campuchia… cùng một số trái cây khác vẫn được công ty duy trì và mở rộng. Đáng chú ý, HNG đã tham gia vào dự án trồng chanh dây từ đầu năm 2016 và bắt đầu có nguồn thu từ cuối năm 2016.
Do đó, năm 2017, HNG dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần 4.794 tỷ đồng, chủ yếu đến từ kinh doanh các trái cây. Lợi nhuận gộp 1.509 tỷ đồng từ các mảng kinh doanh cốt lõi.
Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức chia sẻ về giai đoạn khó khăn, căng thẳng của cả tập đoàn do nguồn vốn bị kẹt, khối nợ lớn, áp lực thu hồi nợ… "Năm ngoái chúng tôi đã quá căng thẳng, khi đứng trên bục trao đổi với cổ đông tôi thậm chí còn nói không ra lời", bầu Đức nói, cho biết tình hình của công ty không còn xấu nữa sau cuộc “giải cứu” nợ vừa qua. Chủ tịch cam kết trong vòng 2 năm nữa HNG sẽ "lột xác", đi vào ngành nghề cốt lõi, không đầu tư tràn lan như thời gian qua.
Theo ông Đức, Hoàng Anh Gia Lai sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nợ để giảm thêm 8.000 – 10.000 tỷ đồng dư nợ trong 2 năm tới nhờ cải thiện kết quả kinh doanh, thanh lý tài sản, thu hồi nợ...
Chia sẻ về những khó khăn của HNG ở các dự án nông nghiệp, bầu Đức cho biết, công ty HNG vẫn sẽ tập trung vào nông nghiệp là ngành cốt lõi của HAGL gồm chăn nuôi, trồng trọt trong giai đoạn 2018 -2020.
Trong đó, HNG tiếp tục vẫn duy trì vì nhà máy ép cọ dầu đã xây dựng ở Campuchia. Năm 2016, rừng cọ dầu đã có trái song nếu đưa vào khai thác sẽ bị lỗ, nên công ty đợi đến năm sau mới khai thác cọ dầu, để đạt lợi nhuận tối ưu. Tuy nhiên, trước diễn biến bất lợi của thị trường cọ dầu, công ty sẽ tạm dừng đầu tư cọ dầu do phân bổ nguồn lực vốn, thiếu vốn, sẽ đầu tư trở lại khi dòng tiền của HNG mạnh hơn.
Ngoài cọ dầu, mảng chuối của HNG cũng bị cạnh tranh khốc liệt và ảnh hưởng dịch bệnh…
Do dòng tiền khó khăn, các chủ nợ siết chặt tín dụng nên năm 2017 HNG buộc phải lấy ngắn nuôi dài, lấy diện tích đất nghiệp dôi dư trồng cây ăn trái. “Năm qua HAGL không quan hệ được với bất kỳ ngân hàng nào, dòng tiền nuôi công ty từ trái cây mà chủ yếu là chanh dây và thanh long. Chanh dây của HNG hiện không đủ hàng để bán và bán được giá cao”, lãnh đạo HNG chia sẻ.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho hay, tập đoàn hiện có quỹ đất lên đến trên 100.000 ha tại 3 nước. Trong đó, dành tới 18.000 ha đất để trồng cây ăn trái với sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia về cây ăn trái của Việt Nam và Thái Lan. Đơn cử, HNG dự tính trồng sầu riêng, chanh dây… do nhu cầu thị trường đang cần. Theo ông Đức, công ty đang trồng chanh dây mà không đủ bán với giá xuất khẩu khoảng 40.000 đồng/kg.
Với việc đầu tư vào các dự án trồng trái cây, HNG sẽ kết hợp với các đối tác để xử lý các trái cây không đủ kích cở xuất khẩu như ép nước, hay sấy.