Tại đại hội, cổ đông đã thông qua tờ trình mục tiêu kinh doanh của năm 2020 với mục tiêu doanh thu thuần từ 8.000 – 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng tối thiểu 70% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông của công ty dự kiến từ 200 đến 500 tỷ đồng, tương ứng giảm 57% hoặc tăng trưởng 42% so với cùng kỳ
Đáng chú ý, trong năm nay hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên 2021, Masan Resources có kế hoạch chào bán cổ phần mới mệnh giá 10.000 đồng/cp trong một hoặc nhiều lần. Số lượng cổ phần phát hành tối đa 9,99% tổng số cổ phiếu MSR đang lưu hành, dự kiến huy động khoảng 988 tỷ đồng.
Giá phát hành không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính năm hợp nhất đã được kiểm toán gần nhất của công ty. Đối tượng phát hành không phải là công ty con của Masan MEATLife; không phải là công ty mà có chung công ty mẹ với Masan MEATLife.
Ngoài ra, công ty sẽ không chào bán cho bất cứ tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân từ 10% trở lên vốn điều lệ của công ty trong đợt chào bán.
Bên cạnh đó, HĐQT công ty sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc chấp thuận đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT Nguyễn Đăng Quang cho nhiệm kì 2016 – 2021. Ông Nguyễn Đăng Quang hiện giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, đơn vị đang sở hữu cổ phần chi phối tại Masan Resources thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan.
Tính đến ngày 31/12/2019, lãi chưa phân phối của Masan Resources là 2.727 tỷ đồng. Về phương án phân chia lợi nhuận năm 2019, công ty dự kiến không chi trả cổ tức năm vừa qua.
Đặc biệt, đại hội cũng thông qua một nội dung quan trọng là đổi tên công ty từ Masan Resources sang thành Masan High - Tech Materials.
Điểm lại các kết quả đã đạt được trong năm 2019, ông Danny Lê - Chủ tịch HĐQT Masan High - Tech Materials cho biết, mới đây công ty đã hoàn tất thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh Vonfam của Tập đoàn H.C Starck đã mang lại cho công ty các trung tâm sản xuất tiên tiến ở mỗi khu vực thị trường trọng yếu như NAFTA, EU và APAC với các cơ sở sản xuất tại Đức, Canada và Trung Quốc; một nền tảng công nghệ tái chế đẳng cấp thế giới, vừa có thể mở rộng và nhân rộng ra mọi địa điểm cơ sở kinh doanh.
Trong năm 2019, doanh thu thuần của Masan Resource từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 4.706 tỷ đồng, giảm 31% so với năm 2018, phản ánh môi trường kinh doanh đầy khó khăn, thử thách trong năm 2019. Nhu cầu toàn cầu suy yếu, khối lượng sản xuất sụt giảm cùng với ảnh hưởng lớn bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến giá các hàng hóa của công ty giảm xuống trong suốt năm qua.
Sản phẩm Vonfam và Bismut còn chịu tác động bởi việc bán một lượng lớn hàng dự trữ của sàn giao dịch Fanya tại Trung Quốc trong tháng 9/2019. Giá trung bình trong năm của các sản phẩm Vonfram, Florit, Đồng và Bismut bị giảm xuống lần lượt là 22%, 3%, 8% và 32%.
Ngoài ra, công ty duy trì được lượng cấp liệu đầu vào Nhà máy chế biến Núi Pháo ở mức 3,78 triệu tấn, giảm 2,8% so với kỷ lục đạt được năm 2018 là 3,89 triệu tấn. Để bù đắp lại một phần tác động của việc giá thành và sản lượng sụt giảm, công ty đã tập trung vào việc kiểm soát chi phí, nên đã cắt giảm được 12% chi phí tiền mặt, tương đương khoảng 14 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2019, công ty đã dàn xếp xong vụ kiện kéo dài với Jacobs E&C Australia Pty Ltd.