Giá trị của thời trang và việc xây dựng hình ảnh trước đây đã được cha của Elizabeth, Vua George VI, khám phá và thực hiện với những kết quả tích cực: Trong sứ mệnh lấy lại lòng tin của công chúng sau khi anh trai Edward VIII thoái vị để kết hôn với một công dân người Mỹ, Vua Geroge VI đã mời NTK Norman Hartnell tới thưởng thức bộ sưu tập nghệ thuật của Cung điện Buckingham để tìm cảm hứng thiết kế nên những bộ trang phục hoàng gia. Và trong khi người vợ mới của anh trai, bà Wallis Simpson thường diện những bộ đồ thời trang mới nhất, thì Nhà vua lại đặt những chiếc áo choàng thanh nhã cho vợ và con gái để nhấn mạnh nét truyền thống - và do đó, sự ổn định - của thời đại Victoria.
Sau cái chết của Vua George VI vào năm 1952, việc Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi đi kèm tính sự cấp thiết trong việc trấn an người dân nước Anh một lần nữa. Hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II, một thành viên hoàng gia quyến rũ và lôi cuốn, cần được củng cố bằng uy quyền và sự tinh tế để đảm bảo lòng tin từ giới chính trị gia, các nguyên thủ quốc gia và những đối tượng có tầm ảnh hưởng.
Ghi chú từ Royal Collection Trust tiết lộ rằng NTK Hartnell đã đệ trình chín mẫu thiết kế khác nhau cho lễ phục đăng quang, và Nữ hoàng đã chọn mẫu thứ tám, với đường diềm scallop nữ tính và trang trí bằng ngọc trai, diamanté và hạt cườm vàng.
Trong một loạt các bí quyết chính trị, và cả sự chú ý của báo giới toàn cầu, Nữ hoàng Elizabeth II đã tạo nên một khoảnh khắc thảm đỏ vĩ đại nhất trong tất cả. Dân chúng nước Anh khi đó đã dành riêng từ “Glorious” (rực rỡ, huy hoàng) để ca ngợi về bộ váy, về khoảnh khắc đăng quang của Nữ hoàng trẻ tuổi.
Đó chính là sức mạnh của thời trang – điều mà Nữ hoàng đã nhanh chóng hiểu được rằng sự truyền thống, nét thanh lịch cổ điển sẽ luôn tạo ra được điểm nhấn và tính thuyết phục hơn rất nhiều so với các xu hướng “sớm nở chóng tàn”.
Vì vậy, Nữ hoàng Elizabeth không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội để truyền tải thông điệp về sự tin cậy, ổn định và kiên định tới những khán giả của mình.
Tất nhiên, có những lưu ý thời trang nghiêm ngặt cho những bộ trang phục hàng ngày của Nữ hoàng, nhưng nó cũng phải mang lại sắc màu riêng. Nhìn vào các bức ảnh lưu trữ từ thời trị vì của bà, chúng ta sẽ thấy cách tiếp cận khéo léo với xu hướng của nhiều thập kỷ, chẳng hạn như kiểu dáng thắt eo thon gọn của những năm 50; váy không tay và mũ hộp của những năm 60; và những mẫu in đậm nét của năm 70. Và ai có thể quên được Nữ hoàng trong bộ suit quyền lực trong những năm 80?
Sau này, Nữ hoàng Elizabeth đã tự khẳng định mình là một bậc thầy về kiểu trang phục ton-sur-ton với các gam màu nổi bật và tươi tắn như tím, cam, đỏ và hồng fuchsia. Mục tiêu tạo ra cảm giác ấm áp và dễ gần - cũng như nhu cầu dễ dàng để thấy trong đám đông để bù trừ cho chiều cao khiêm tốn của bà - có nghĩa là màu be sẽ khiếm khi được Nữ hoàng lựa chọn khi xuất hiện trước công chúng.
Trong hồi ký của mình, Hardy Amies, một thợ may trang phục hoàng gia, đã tóm tắt một yếu tố vượt thời gian đối với quy tắc thời trang cho các thành viên hoàng gia với câu nói, "Phong cách hoàn toàn vượt trội so với tính thời thượng. Phong cách có trái tim và tôn trọng quá khứ; mặt khác, thời thượng là tàn nhẫn và chỉ sống hoàn toàn cho hiện tại."
Tuy nhiên, phong cách cần tới rất nhiều sự chuẩn bị và tính toán hợp lý. Khi làm việc cùng Angela Kelly, trợ lý cá nhân và người phụ trách thời trang cho bà, Nữ hoàng Elizabeth đã tạo nên một bản tuyên ngôn về những đóng góp thành công của thời trang đối với sự nghiệp. Các loại vải danh cho từng bộ trang phục đều được thử nghiệm để hạn chế sự sột soạt và chống nhàu, đồng thời khéo léo xử lý đường viền để ngăn những cơn gió thổi mạnh. Các bản in tinh tế đã được sử dụng để ngăn các vết hằn lộ ra và thậm chí còn có miếng lót dưới cánh tay để che đi vết mồ hôi. Đối với các chuyến đi nước ngoài, trang phục được thiết kế để tôn lên phong tục và văn hóa của quốc gia sở tại một cách tinh tế.
Găng tay trắng, luôn luôn là của Cornelia James, đôi khi được thay vài lần trong ngày, và những chiếc mũ luôn phải có tông màu phù hợp với đôi giày của Rayne hoặc Anello & Davide rất được Nữ hoàng yêu thích. Tổng thể bộ trang phục sẽ được hoàn thiện bằng một chiếc túi da nhỏ của Launer.
Tuy nhiên, cũng sẽ có trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn, tại buổi trình diễn Royal Variety vào tháng 11/1999, Nữ hoàng Elizabeth đã mặc một chiếc áo ôm đường con đính cườm sặc sỡ cùng chân váy màu vàng đậm, khiến các tay săn ảnh kinh ngạc. Và từng có lần, Nữ hoàng diện bộ trang phục màu xanh lá bắt mắt tại cuộc diễu hành Trooping the Colour để đánh dấu sinh nhật lần thứ 90 của bà.
Chia sẻ với tờ Times vào năm 2012, Stewart Parvin, người đã tham gia đội ngũ thiết kế cho Nữ hoàng từ năm 2000, tiết lộ rằng những bộ trang phục được xếp theo tên và được phân loại theo nơi bà đã mặc và người bà đã gặp. "Đó là lý do tại sao mọi người sẽ nghĩ rằng Nữ hoàng chỉ mặc mỗi bộ đồ một lần, bởi vì có một hệ thống chi tiết đến như vậy đó. Nếu bà ấy định gặp Tổng thống Obama, thì chắc chắn bà sẽ không mặc cùng một chiếc váy như lần trước."
Trong cuộc sống cá nhân hàng ngày, Nữ hoàng Elizabeth, một người yêu thích đua ngựa, lại chọn cho mình những màu sắc trung tính. Vải dạ tweeds, bốt da và đồ chống thấm nước sẽ được kết hợp với chiếc khăn lụa tam giác đặc trưng. Khi đến Lâu đài Balmoral ở Scotland cho các kỳ nghỉ của gia đình và các sự kiện chính thức, Nữ hoàng sẽ tự hào mặc chiếc áo dài tartan Balmoral do Hoàng tử Albert, ông cố của bà thiết kế.
Những thông điệp thời trang có mục đích kể về những lợi ích của một triều đại được sinh ra từ sự tiến bộ tinh tế, không phải thay đổi mạnh mẽ để gây sốc hoặc gây bất ổn, có thể được coi là một màn trình diễn điêu luyện trước công chúng – điều mà Nữ hoàng đã đúc kết từ chính kinh nghiệm cá nhân để truyền lại cho con cháu đời sau.