Sau hàng thập kỷ gây dựng và phát triển một thương hiệu đồ da nhỏ bé ở Milan (Italy) thành đế chế thời trang xa xỉ trị giá 19 tỷ USD, Miuccia Prada và Patrizio Bertelli đã bắt đầu có những động thái chuẩn bị cho tương lai của Prada SpA.
Cụ thể, cả hai người đều quyết tâm thực hiện việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo một cách phù hợp và suôn sẻ nhất để đảm bảo Prada có thể duy trì được sự độc lập của mình trong một ngành công nghiệp đầy cạnh tranh, nơi các “ông lớn” đa thương hiệu như LVMH hay Kering đang ngày càng chiếm ưu thế.
Lĩnh vực xa xỉ Italy đã chứng kiến nhiều thương hiệu nội địa bị thâu tóm bởi các tập đoàn lớn toàn cầu. LVMH sở hữu Fendi và Loro Piana, gần đây đã mua lại cổ phần của công ty điều hành Moncler SpA. Kering sở hữu Gucci, Bottega Veneta và nắm 30% cổ phần Valentino.
Có rất nhiều lo ngại rằng vị thế của Italy sẽ bị đầy lùi về “hậu trường” khi mà các quyết định chiến lược lại được thực hiện ở Paris, London hay New York dù cho 80% hàng xa xỉ trên toàn cầu đều đi qua các xưởng và nhà máy Italy, theo chia sẻ của ông Patrizio Bertelli.
Đối với các gia tộc sở hữu thương hiệu, điều này đồng nghĩa với việc mất đi quyền kiểm soát và danh tiếng.
Để tránh gặp phải điều đó, Miuccia Prada đã chuyển nhượng hầu hết cổ phần của mình cho hai con trai. Mặc dù bà vẫn giữ quyền biểu quyết, anh Lorenzo (36 tuổi) nắm 50,5% cổ phần tại Ludo SpA (công ty mẹ của Prada). Em trai Giulio – người hiện không có kế hoạch làm việc trong công ty gia đình – nắm giữ phần còn lại.
Người con trưởng Lorenzo Bertelli từ lâu đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Anh không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và đã đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt như giám đốc điều hành, giám đốc marketing và trưởng bộ phận trách nhiệm xã hội & phát triển bền vững.
Mặc dù Lorenzo nói rằng anh sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, nhưng việc dẫn dắt và điều hành một công ty danh tiếng trong lĩnh vực đặc thù như thời trang và hàng xa xỉ chưa bao giờ là dễ dàng. Giai đoạn tiếp theo trong câu chuyện của Prada có thể đối mặt với nhiều biến động lớn. Những điều kiện từng giúp Miuccia biến Prada thành một hiện tượng toàn cầu nay không còn nhiều. Nhu cầu ở Trung Quốc – thị trường từng thúc đẩy sự bùng nổ của ngành hàng xa xỉ – đã giảm sút.
Bên cạnh đó, các nhà mốt độc lập như Prada khó có thể theo kịp quy mô đầu tư cạnh tranh với những “gã khổng lồ” đa quốc gia, đặc biệt là trong việc liên tiếp mở rộng sự hiện diện ở hàng loạt khu vực đắt đỏ bậc nhất Milan, New York hay Thượng Hải. Prada và công ty mẹ gần đây đã chi hơn 800 triệu USD để mở rộng sự hiện diện tại New York thông qua việc mua lại hai tòa nhà trên đại lộ Fifth Avenue. Con số này chưa bao gồm chi phí cải tạo, sửa chữa. Đây là một dự án khổng lồ đối với một công ty như Prada, vốn có doanh thu 4,7 tỷ Euro trong năm 2023, so với hơn 86 tỷ Euro của LVMH.
Trên thực tế, các kế hoạch chuyển giao quyền lực như Prada không phải là điều phổ biến ở Italy. Một số người sáng lập như Giorgio Armani hiện đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn chưa chỉ định người thừa kế.
Leonardo Del Vecchio – nhà sáng lập tập đoàn EssilorLuxottica sở hữu Ray-Ban – qua đời vào năm 2022 nhưng gia đình ông vẫn đang tranh cãi về vấn đề kế thừa hai năm sau đó. John Elkann, con trai trưởng của gia đình Agnelli sáng lập Fiat, vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý với mẹ mình là bà Margherita Agnelli.
Tại nhiều gia tộc doanh nhân khác, các cuộc thảo luận về việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ kế tiếp vẫn là điều kiêng kỵ, từ đó vô tình khiến những người thừa kế không được chuẩn bị đầy đủ về khả năng lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp và dễ dẫn đến tranh chấp.