Địa ốc Alibaba liều lĩnh chơi ‘ván bài lật ngửa’ với khách hàng

Mở bán dự án không phải của mình trong tâm bão dư luận và đối mặt với cơ quan điều tra, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã "ngửa bài" trong canh bạc huy động vốn của khách hàng
Địa ốc Alibaba liều lĩnh chơi ‘ván bài lật ngửa’ với khách hàng

Sáng 26/11, tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tổ chức sự kiện mở bán “Các dự án Alibaba”. Ghi nhận trong sự kiện này, doanh nghiẹp đã ký hợp đồng mở bán dự án Tân Thành Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhận tiền đặt cọc giữ chỗ đối với dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

Tại đây, ông Nguyễn Thái Luyện, CEO của Alibaba, đứng trước bục làm diễn giả, thừa nhận Dự án Tây Bắc Củ Chi chưa có giấy phép nhưng lại "vẽ" ra viễn cảnh về lợi nhuận trong tương lai.

Mồi nhử quen thuộc 

Sau bài diễn thuyết của mình, ông Nguyễn Thái Luyện cho rằng nếu công ty không làm chủ đầu tư được dự án sẽ hoàn trả 100% tiền cho khách hàng, kèm theo lãi suất 3%/tháng. Nếu thuận lợi, Alibaba sẽ đem lại lợi nhuận cho người mua nhà 25%/năm.

Đây cũng là mồi nhử Công ty địa ốc Alibaba thực hiện trong suốt quá trình hoạt động với hàng chục dự án của mình.

Tuy nhiên, trong bản “hợp đồng mẫu” mà nhân viên Công ty Alibaba cung cấp, không hề có bất cứ điều khoản nào liên quan tới việc cam kết lợi nhuận. Thực tế, công ty này sử dụng một bản phụ lục tách rời hợp đồng. Bản phụ lục này có dấu đỏ và chữ ký của ông Nguyễn Thái Lĩnh, với chức vụ Giám đốc công ty.

Trong phụ lục hợp đồng nói trên, chỉ có một số thông tin cơ bản về Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba, người đại diện công ty và nội dung: “Công ty cam kết thu mua lại lợi nhuận 28%/12 tháng trên số tiền đầu tư khi khách hàng đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 - Nơi đầu tư chắc ăn”.

CEO Nguyễn Thái Luyện của Công ty địa ốc Alibaba đưa ra "mồi nhử" về cam kết lợi nhuận tại các lễ mở bán. Ảnh: Alibaba.

Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng về nguyên tắc, phụ lục hợp đồng này không có hiệu lực pháp lý. Bởi một bản phụ lục hợp đồng ít nhất phải thể hiện rõ là phụ lục của hợp đồng nào (“phụ lục số… của hợp đồng số…”), chỉnh sửa hay bổ sung phần nào của hợp đồng đó…

“Ở phụ lục hợp đồng nói trên không thể hiện là phụ lục thuộc hợp đồng nào, chỉnh sửa hay bổ sung phần gì của hợp đồng. Nếu có xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng cũng không thể có căn cứ để giải quyết, do phụ lục không có hiệu lực pháp lý. Khách hàng vì thế cũng không thể đòi được quyền lợi”, luật sư Trung nói.

Theo tìm hiểu, dự án khu đô thị Alibaba Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã được Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra tính pháp lý. Sau khi rà soát, kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh này thông tin không có dự án nào của Alibaba trên địa bàn huyên Tân Thành.

Sở cũng đồng thời đưa ra cảnh báo đối với người dân về tình trạng giao dịch với doanh nghiệp này, để tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Vẫn ngang nhiên nhận tiền giữ chỗ dự án Tây Bắc Củ Chi

Mọi chuyện về Alibaba bùng phát khi các cơ quan chức năng TP.HCM cùng cảnh báo về dự án Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3 (TP.HCM) mà doanh nghiệp này tự xưng là chủ đầu tư. Nhưng khi các dấu hiệu mờ ám về pháp lý dần rõ ràng, Alibaba sẵn sàng ngửa bài để nói chuyện với khách hàng, và tiếp tục nhận tiền đặt chỗ.

Tại buổi lễ mở bán dự án Tân Thành ngày 26/11, ông Nguyễn Thái Luyện còn nói với khách hàng rằng thời gian qua nhiều thông tin chưa đúng sự thật, ảnh hưởng lớn đến công ty.

Trả lời thắc mắc của khách tại sao Alibaba chưa là chủ đầu tư của dự án Tây Bắc Củ Chi mà đã mở bán dự án này, ông Luyện nói đây là thỏa thuận dân sự giữa hai bên, để góp vốn cho dự án và đảm bảo khách hàng sau khi góp vốn sẽ được mua đất với giá ưu đãi.

Các dự án thiếu pháp lý vẫn được nhân viên tư vấn mời chào. Ảnh: S.N

Điều đáng nói, dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo Alibaba chưa phải chủ đầu tư dự án Tây Bắc Củ Chi suốt những ngày qua, tại buổi mở bán này, Alibaba vẫn ngang nhiên cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Trong số này có rất nhiều khách hàng không chỉ đặt cọc 1 nền mà đặt từ 5-7 nền.

Chị H., một khách hàng đặt chỗ 3 nền tại dự án Tây Bắc Củ Chi, cho hay chị không biết dự án này có giấy tờ hay không, nhưng thấy phù hợp với số tiền của mình và được cam kết lợi nhuận nên xuống tiền giữ chỗ. Tuy nhiên khi hỏi vì sao đặt tiền mạo hiểm như vậy, chị H. cho rằng không biết lý do mà nghe lợi nhuận là đặt!.

Theo luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn Luật sư TP.HCM, hiện nay Công ty Alibaba chưa được giao làm chủ đầu tư của dự án, sơ đồ phân lô dự kiến (tỷ lệ 1/500) là do công ty này tự nghĩ ra, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nên hoạt động huy động vốn là hoàn toàn trái pháp luật.

Ngoài ra, việc thông tin sai sự thật để huy động vốn của khách hàng là gian dối. Hành động này có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bộ Luật hình sự.

Theo Nghị định 121 thì hành vi vi phạm về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước với mức phạt 100-150 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số lợi bất hợp pháp.

“Nếu không trả được khách hàng số tiền đã nhận, mà số tiền đó đã sử dụng cho mục đích khác, thì còn có thể bị điều tra xác định về trách nhiệm hình sự”, luật sư Phạm Đình Bắc cho hay.

Trước đó, Alibaba đã đưa dự án lên trang web công ty và nhận tiền giữ chỗ của khách hàng. Trả lời báo chí, phía Alibaba cho biết tính đến ngày 17/11, đã có gần 470 khách hàng đóng tiền giữ chỗ tại dự án Tây Bắc Củ Chi. 

Môi giới đang liều lĩnh và đi quá giới hạn

Việc hành nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam đang quá dễ dãi khiến thị trường trở nên bát nháo và thông tin thiếu pháp lý.

Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản nhưng chỉ có 100.000 người là chuyên nghiệp, tức hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng những vụ việc như trên đang làm xấu hình ảnh của người môi giới chân chính, những người đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự phục hồi và phát triển của thị trường địa ốc hai năm trở lại đây.

Môi giới địa ốc ngày càng thiếu chuyên môn. Ảnh: V.D

Cũng theo ông Đính, dù luật quy định rất rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm của người hành nghề môi giới, sàn giao dịch, việc đăng ký hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề ra sao… nhưng việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các sàn bất động sản còn lỏng lẻo.

Khá nhiều doanh nghiệp cũng bức xúc cho rằng hoạt động môi giới bất động sản hiện nay có khuynh hướng cá nhân hóa, cảm giác như ai cũng có thể mở công ty môi giới được. Người không có chuyên môn mà chỉ lo đi bán hàng và hoàn toàn không hiểu gì về pháp lý của dự án, không lường trước những rủi ro, thì sẽ vô cùng nguy hiểm với cả khách hàng lẫn chủ đầu tư dự án.

Ông Đính cho rằng các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn, để các sàn giao dịch, người môi giới đi vào hoạt động nghiêm túc, bài bản. Quan trọng hơn cả là bắt buộc các chủ đầu tư, nhà môi giới phải công khai tính pháp lý của dự án.

Còn theo ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam, Nhà nước nên tổ chức quản lý và sát hạch chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, môi giới bất động sản, cấp thẻ hành nghề đối với cá nhân khi giao dịch, tư vấn cho khách hàng.

Về thủ tục giao dịch, người môi giới cần phải có mã số hành nghề trên các biên bản thỏa thuận giao dịch, nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý giữa bên mua, bên bán và trách nhiệm của người môi giới. Nhờ các quy định chặt chẽ về thẻ hành nghề, về lưu trữ thông tin, cơ quan thuế có thể thu thêm được khoản thuế từ thu nhập của các cá nhân môi giới.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…