Điều gì khiến cổ phiếu của VOSCO tăng 190% dù lỗ lũy kế đã “ăn” hết 60% vốn điều lệ?

Với một doanh nghiệp có triển vọng mờ mịt như VOSCO, động lực tăng giá của cổ phiếu thường là bán tài sản, cụ thể là tàu Sông Ngân.

Cổ phiếu VOS của CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) vừa góp mặt vào danh sách những cổ phiếu ấn tượng nhất thị trường trong thời gian này với chuỗi tăng trần 15 phiên liên tục từ ngày 29/05 – 16/06. Trong phiên sáng ngày 19/06, VOS tiếp tục tăng trần lên giá 2.930 đồng với dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Như vậy, cổ phiếu này đã tăng 190% trong chưa đầy 1 tháng qua.

VOSCO vốn là doanh nghiệp vận tải biển quốc gia hàng đầu Việt Nam. Tính chất hàng đầu không chỉ thể hiện ở bề dày truyền thống lên tới 40 năm mà còn bởi quy mô vốn, đội tàu, năng lực vận tải của VOSCO vượt xa bất kỳ doanh nghiệp vận tải biển trong nước nào. Tuy nhiên cùng với sự khó khăn của ngành vận tải biển thì VOSCO đã chìm trong thua lỗ triền miên.

Ngay kỳ báo cáo gần nhất, quý 1/2017, VOSCO tiếp tục báo lỗ gần 84 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Khoản lỗ lũy kế tính đến cuối quý 1 đạt gần 900 tỷ đồng. Dù vốn điều lệ là 1.440 tỷ đồng thì với khoản lỗ lũy kế khổng lồ trên, vốn chủ sở hữu của VOSCO bị ăn mòn chỉ còn 545 tỷ đồng.

Trong khi đó, gánh nặng chính của VOSCO là chi phí khấu hao và chi phí tài chính vẫn chưa được giải quyết. Khoản nợ dài hạn tại thời điểm cuối quý 1 của doanh nghiệp là 2.803 tỷ đồng – giảm hơn 90 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 2.088 tỷ đồng.

Bản thân doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2017 là “giảm lỗ tối đa”. Triển vọng mờ mịt như vậy, động lực tăng cho cổ phiếu VOS chỉ có thanh lý tài sản, mà cụ thể là bán tàu.

Kế hoạch đầu năm của VOSCO là thanh lý 2 con tàu Sông Ngân và Vĩnh Thuận. Theo nguồn tin của chúng tôi, tháng 7 tới đây, VOSCO có thể hoàn tất thương vụ bán tàu Sông Ngân.

Tàu Sông Ngân thuộc sở hữu của VOSCO là loại tàu hàng khô cỡ 6.500 dwt, đóng năm 1999 tại Nhật Bản, tính ra đến nay con tàu này đã bước vào tuổi 18. Con tàu còn lại trong kế hoạch bán năm nay là tàu Vĩnh Thuận đóng năm 2000 tại Việt Nam, tuy nhiên con tàu đến nay vẫn chưa bán được.

Theo ban lãnh đạo công ty, hai tàu này dù tuổi chưa quá cao nhưng đều sắp đến kỳ lên đà, hiệu quả khai thác kém nên sau khi lên đà sẽ chịu chi phí sửa chữa phân bổ cho tới kỳ lên đà tiếp theo. Do đó khó thu hồi được kinh phí sửa chữa, chưa nói đến việc có lãi nếu khai thác tiếp hay không.

Theo giải trình từ phía công ty, mặc dù trong kỳ công ty đã tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để tăng doanh thu, kiểm soát chi phí theo hướng chi đúng, chi đủ nhưng do thị trường duy trì ở mức kém quá lâu, lượng cung tàu vẫn tăng làm cho giá cước tiếp tục sụt giảm trong khi giá nhiên liệu và tỷ giá đồng USD lại tăng nên kết quả kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn.

Trong những năm qua, VOSCO đã phải thanh lý một nửa đội tàu, nhưng kết quả kinh doanh vẫn không thể tốt hơn. Có thể nói cơn sóng lần này của cổ phiếu dù mạnh nhưng chỉ phù hợp với những nhà đầu cơ, nhất là khi cổ phiếu đã tăng nhiều phiên như vậy.

Theo Bảo Bối/Trí thức trẻ

>> Cổ đông muốn giải thể công ty quản lý hãng hàng không chuyển đổi từ VASCO

Có thể bạn quan tâm