DN là một trong những nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số

Đó là một trong những thông tin có trong Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ ban hành.

Quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ TT&TT chủ trì thực hiện chiến lược, đồng thời hướng dẫn các đơn vị triển khai.

Theo đó, chiến lược xác định thể chế, hạ tầng, nhân lực, người dân, doanh nghiệp (DN) là nhân tố đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số và xã hội số. Chiến lược nêu ra các 16 nhóm nhiệm vụ và 08 nhóm giải pháp để đưa công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của DN và đời sống của người dân.

Cụ thể, tầm nhìn Chiến lược hướng đến việc phát triển số với việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Và mục tiêu cụ để phát triển kinh tế số giúp người dân giàu có hơn, góp phần đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Quyết định cũng nêu ra con số cần đạt được, đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số (20% GDP); kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu (10%); thương mại điện tử (TMĐT) trong tổng mức bán lẻ (trên 10%)…

Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số (30%); kinh tế từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu (20%); TMĐT trong tổng mức bán lẻ (trên 20%)…

Đối với việc phát triển xã hội số đến năm 2025 tỷ lệ: Dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (80%); dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác (80%); người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử (90%)…

Đến năm 2030 tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (95%); dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác (95%); người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử (trên 95%)…

Để thực hiện các mục tiêu này, Quyết định yêu cầu: hoàn thiện thể chế (Hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý…); hạ tầng (đồng bộ; phổ cập điện thoại thông minh đến với mọi người dân và dịch vụ điện toán đám mây đến DN…; nền tảng số (phổ cập nhật nhanh các nền tảng số quốc gia; thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực…); dữ liệu số (phát triển dữ liệu chủ trong các cơ sở dữ liệu quốc gia để làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở…); an toàn thông tin và an ninh mạng (phổ cập dịch vụ mức cơ bản đến từng người dân, DN…)…

Đối với việc phát triển kinh tế số và xã hội số đối với ngành, lĩnh vực cũng quy định rõ: Nông nghiệp và nông thôn (trở thành nông nghiệp số gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoán, nông thôn hiện đại…); Y tế (Y tế số gắn kết thông suốt mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương tới cơ sở…); giáo dục và đào tạo (áp dụng công nghệ số, tạo môi trường hình thành thế hệ công dân số va doanh nhân số…); lao động việc làm và an sinh xã hội (duy trì cơ sở dữ liệu về người lao động và đối tượng chính sách…)…

08 giải pháp được nêu trong chiến lược việc phát triển kinh tế số và xã hội số đối với ngành, lĩnh vực, gồm: Tổ chức bộ máy; hợp tác trong nước; hợp tác quốc tế; nghiên cứu phát triển; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; đo lường giám sát triển khai; đảm bảo kinh phí; giảm thiểu các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Có thể bạn quan tâm