Doanh nghiệp BĐS “chây ỳ” nộp thuế: Nhiều bất cập từ chính sách quản lý

Do chưa có sự quyết liệt trong quản lý và những quy định xử phạt của pháp luật chưa đủ tính răn đe nên nhiều doanh nghiệp bất động sản cố tình “chây ỳ” nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.

Quản lý kiểu “thả gà ra đuổi”

Theo Báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội tính đến hết tháng 5/2021, trên địa bàn thành phố còn đến 38 dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính với số tiền là 3.767 tỉ đồng. Trong đó, có 22 dự án còn nợ hơn 1.637 tỉ đồng tiền sử dụng đất, 16 dự án đã nộp hết tiền sử dụng đất chỉ còn nợ tiền chậm nộp là hơn 622 tỉ đồng. Điều đáng nói, nhiều chủ đầu tư dự án sử dụng đất chây ỳ nộp nghĩa vụ tài chính nên cơ quan chức năng đã phải chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ.

Điển hình như dự án Văn phòng, Trung tâm thương mại và nhà ở tại 52 Lĩnh Nam do Công ty CP Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư còn nợ tổng số tiền là gần 76 tỉ đồng, trong đó tiền sử dụng đất gần 28 tỉ đồng và số còn lại là tiền chậm nộp. Đối với dự án này, UBND quận Hoàng Mai, Chi cục Thuế Hoàng Mai đã nhiều lần mời chủ đầu tư tới làm việc, cùng 2 lần đôn đốc nợ. Cục thuế Hà Nội, UBND TP.Hà Nội cũng đã mời đơn vị tới làm việc nhiều lần nhưng chủ đầu tư không đến. Hiện, hồ sơ dự án đã được chuyển cho cơ quan công an.

Một dự án vẫn còn nợ nghĩa vụ tài chính với số nợ khủng lên tới gần 379 tỉ đồng là dự án Khu chức năng đô thị Ao Sào, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai của Công ty CP Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5. Trong số nợ khủng này, số tiền sử dụng đất là hơn 245 tỉ đồng, còn lại là tiền nợ chậm nộp. Mặc dù cơ quan thuế đã nhiều lần mời chủ đầu tư đến làm việc tại Chi cục thuế Hoàng Mai, tại UBND quận Hoàng Mai… Hiện, hồ sơ của đơn vị này đã được chuyển sang công an.

Chủ đầu tư Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) nợ nghĩa vụ tài chính đến 378,6 tỷ đồng
Chủ đầu tư Dự án khu chức năng đô thị Ao Sào tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) nợ nghĩa vụ tài chính đến 378,6 tỷ đồng

Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, bày tỏ: Việc thành phố Hà Nội chuyển cơ quan điều tra để điều tra các đơn vị trên là việc phải làm, nhưng chọn đúng thời điểm thị trường bất động sản nói riêng và các ngành nghề khác nói chung đang khó khăn vì đại dịch lại đưa qua cơ quan điều tra thì có vẻ không nhân văn lắm. Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng chỉ đạo rõ cho các đơn vị được giãn, hoãn nộp các nghĩa vụ tài chính thì thành phố Hà Nội lại đi ngược với chủ trương đó. Do đó, ông Đính kiến nghị nên để qua thời điểm khó khăn rồi tìm ra giải pháp cụ thể như đôn đốc hoặc cho các đơn vị một mốc thời gian rõ ràng, vì nghĩa vụ thì phải hoàn thành.

Phân tích dưới góc độ luật pháp Luật sư Trần Hồng Cường, Công ty Luật Đông Nam Á cho rằng: Việc các doanh nghiệp “chây ỳ” nghĩa vụ tài chính là hành vi nợ thuế, chứ không phải là trốn thuế vì thế không thể xử lý hình sự các đơn vị trên được. Hiện tại pháp luật hình sự Việt Nam chỉ quy định về hành vi trốn thuế (bản chất là hành vi gian lận thuế, ví dụ không kê khai, bỏ ngoài sổ sách các hoạt động kinh doanh có doanh thu nhằm mục đích không nộp thuế), không có quy định nợ thuế chậm nộp thì chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, trường hợp chuyển cơ quan điều tra thì có thể xem xét xử lý ở các tội khác phù hợp với cấu thành tội phạm tội đó. Nếu không có hành vi nào thỏa mãn cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự thì hành vi nợ thuế chỉ bị xem xét xử phạt hành chính theo quy định trong lĩnh vực thuế.

Chính vì quy định của pháp luật chưa đủ tính răn đe, nên các doanh nghiệp họ mới cố tình không nộp. Hình sự thì không xử lý được, còn xử phạt hành chính họ chấp nhận thôi vì mức xử phạt hành chính rất nhẹ không đáng kể, tính ra không bằng lãi suất của ngân hàng, Luật sư Nguyễn thị Thúy Kiều – Giám đốc Công ty Luật Bắc Nam bày tỏ quan điểm.

Vẫn theo Luật sư Kiều, lỗi ở đây là do cách quản lý theo kiểu “thả gà ra đuổi” của thành phố Hà Nội. Lẽ ra một dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất, thành phố phải yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện nghĩa vụ tài chính xong mới cho triển khai hoặc khi chủ đầu tư tiến hành bán hàng, các cơ quan của thành phố phải quản lý hợp đồng mua bán của doanh nghiệp với khách hàng và tiến hành thu tiền sử dụng đất, tiền thuế ngay. Không đóng lập tức thu hồi dự án không cho triển khai dự án nữa. Việc thành phố giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất ngay chẳng khác nào tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lách luật, nên giờ rất khó thu.

Những khuyến nghị từ chuyên gia

Phân tích dưới góc nhìn của một chuyên gia bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, những đơn vị đã nêu là tồn tại từ ngày xưa khi nhiều địa phương có sự quản lý chưa chặt chẽ. Nhiều địa phương châm trước cho chủ đầu tư hoặc có những chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nên họ tin tưởng cho các chủ đầu tư triển khai khi nào có nguồn vốn, huy động được vốn hoặc bán được hàng thì nộp nghĩa vụ tài chính. Nhưng thực tế có những đơn vị bán được hàng nhưng lại tận dụng vốn không nộp, nhưng cũng có đơn vị về bản chất có nhiều phát sinh mà họ không tính đến trong lúc lập dự án dẫn đến nguồn thu không đảm bảo, dẫn đến việc không có lãi nên không có khả năng nộp.

ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam
ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam

Từ thực tế đó, ông Đính khuyến nghị các địa phương nếu cho các doanh nghiệp triển khai dự án thì cứ áp dụng theo bài toán “xong nghĩa vụ tài chính đi rồi tôi cho triển khai dự án” là an toàn nhất. Phải làm như thế mới đánh giá đúng năng lực của các chủ đầu tư là ông có tiền thì ông làm, còn không có tiền thì thôi.
Trong bối cảnh kinh tế như hiện tại hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều đang gặp khó khăn rất lớn, nhưng Chính phủ lại cho rằng các doanh nghiệp không phải là đối tượng để được hỗ trợ. Trong khi đó bất động sản đóng góp 14% GDP quốc gia, sức ảnh hưởng rất mạnh trong nền kinh tế nhưng không được đề cập tới. Vì vậy, ông Đính kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp bất động sản.

Kiến nghị về giải pháp cụ thể hơn, Luật sư Cường nêu quan điểm hành vi nợ thuế ảnh hưởng rất lớn đến cư dân. Vì nhiều trường hợp không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì chủ đầu tư còn nợ thuế. Do vậy, các cơ quan cần xem xét yêu cầu khi cấp phép xây dựng cho công trình, chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ thuế khi xin phép xây dựng thì công khai thông tin để người dân biết. Khi không thể huy động đc vốn, bán căn hộ, các chủ đầu tư sẽ có ý thức chấp hành!

Xem thêm

Hà Nội: 916 doanh nghiệp nợ thuế lên đến gần 400 tỷ đồng

Hà Nội: 916 doanh nghiệp nợ thuế lên đến gần 400 tỷ đồng

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh sách 916 doanh nghiệp lần đầu nằm trong diện nợ thuế khó thu, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất tính đến thời điểm 31/5/2021. Tổng nợ mà cục Thuế Hà Nội cần phải thu ước tính lên tới 397,4 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…