Doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả lợi thế của EVFTA

Với kết quả khả quan đạt được trong hai tháng đầu tiên triển khai EVFTA và triển vọng của các tháng còn lại, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ có khả năng giữ được mức tăng trưởng dương trong năm nay.
Doanh nghiệp đang khai thác hiệu quả lợi thế của EVFTA

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhận định như vậy tại Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/10.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam đã có kết quả tích cực từ khi EVFTA được thực thi. Tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh trong tháng 8/2020 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Anh đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9%.

Về công tác cấp C/O mẫu EUR.1, tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD.

Ông Khánh đánh giá, so với các FTA khác của Việt Nam tại thời điểm mới có hiệu lực và đi vào thực thi trong thời gian gần đây như CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba…, số lượng C/O mẫu EUR.1 được cấp để doanh nghiệp hưởng ưu đãi trong EVFTA lớn hơn nhiều.

Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9 năm 2020.

Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm may, tre, đan… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay, Bộ Công Thương đã chủ động tổ chức triển khai thực thi EVFTA ngay từ khi hiệp định được ký kết. Theo đó, ngay từ 15/6, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư số 11 quy định quy tắc xuất xứ trong EVFTA. Điều này đã giúp mang lại kết quả tích cực ngay trong những tháng đầu tiên thực thi hiệp định.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá, các con số thống kê trong hơn 2 tháng vừa qua đã cho thấy thị trường EU và Hiệp định EVFTA nhận được rất nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

“Đây là thị trường tiềm năng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác sâu, nhưng chúng ta cũng thừa nhận rằng việc thâm nhập thị trường EU chưa bao giờ là dễ dàng, dù với mức ưu đãi thuế rất cao mà EU cam kết trong EVFTA, bởi lẽ doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng nhiều quy định khác về các hàng rào phi thuế quan của EU, trong đó có quy định về xuất xứ hàng hoá” – ông Khánh nhấn mạnh.

Nhận thức được điều này, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội ngay từ những ngày đầu thực thi Hiệp định, từ ngày 15/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định EVFTA làm cơ sở pháp lý hướng dẫn thực thi nội dung này tại Việt Nam. Thông tư đã có hiệu lực ngay từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.Điều này đã góp phần mang lại kết quả tích cực trong việc thực thi EVFTA trong hơn 2 tháng qua.

Thời gian tới, để phục hồi xuất khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ tại nước ngoài thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam để kịp thời thông tin để cácBộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; Tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các doanh nghiệp đề nghị cấp C/O. Đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam,uy tín của doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính và cả uy tín của tổ chức cấp C/O Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm