Doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu kỹ năng nắm bắt cơ hội từ thương mại điện tử

Sàn thương mại điện tử là một trong những công cụ hữu ích để các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên các DNNVV Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều kỹ năng kinh doanh trên “mảnh đất” đầy triển vọng này.

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam ngày càng được mở rộng và phát triển, là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017 – 2022, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định từ 16-25%. Mua sắm trên sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội trở nên sôi động hơn trước nhiều, đặc biệt là trong và sau đại dịch COVID19.

THIẾU KỸ NĂNG KINH DOANH TRỰC TUYẾN

Tại sự kiện “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử”, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, kết nối với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có những Hiệp định thương mại FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA.…

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DNNVV, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Đây là những điều kiện thuận lợi để mở rộng cánh cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNVVN nói riêng, đồng thời cũng là cơ hội để thu hút đầu tư, công nghệ và cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở thành động lực quan trọng cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tất yếu, là cơ hội lớn để mỗi quốc gia mang sản phẩm của mình đến với toàn thế giới.

Theo bà Hạnh, mặc dù tiềm năng phát triển và lợi ích của thương mại điện tử mang đến cho các doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên, không ít DNNVV còn thiếu kỹ năng kinh doanh trực tuyến; khó khăn trong việc tạo dựng được niềm tin với khách hàng.

“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu còn chưa nắm được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cần tuân thủ của các quốc gia nhập khẩu; việc doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc còn chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất; doanh nghiệp còn chưa thực sự tập trung đầu tư vào chăm sóc, xây dựng các gian hàng chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử để tối ưu doanh thu và tiếp cận khách hàng…”, bà Hạnh cho hay.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2023 diễn ra mới đây, ông Đỗ Hữu Hưng - CEO Accesstrade cho rằng, các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử chưa thành công là do mải chạy theo trend (xu hướng).

Theo ông Hưng, đây là cách tiếp cận không bền vì không tạo ra “ma trận điểm chạm”. Bởi kinh doanh thương mại điện tử khác truyền thống ở chỗ người tiêu dùng quyết định rất nhanh. Do đó, doanh nghiệp nào xây dựng được nền tảng thương mại điện tử đa kênh sẽ có lợi thế chứ không phải dựa vào sức và tiền.

HỖ TRỢ DNNVV KẾT NỐI THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Để giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại, hiện Chính phủ đã có một số chính sách như hỗ trợ 50% chi phí mở gian hàng và duy trì gian hàng theo Nghị định 80; kích cầu thương mại điện tử xuyên biên giới theo Quyết định 645 hay đề án đào tạo 5.000 doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử xuyên biên giới để tham gia vào các nền tảng phân phối toàn cầu.

Nhiều dự án của các tổ chức cũng đã chú trọng hỗ trợ các DNNVV Việt Nam, trong đó sự kiện kết nối “Hỗ trợ DNNVV kết nối với thị trường thế giới qua thương mại điện tử” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống lần thứ 27 và Triển lãm quốc tế thiết bị công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm đồ uống lần thứ 27 được diễn ra vừa qua cũng nhằm mục đích đó.

Tại sự kiện, các doanh nghiệp trong ngành nông sản, sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản, rau quả đã dành thời gian tìm hiểu để tận dụng các cơ hội, giải pháp, công cụ kết nối, tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước thông qua thương mại điện tử, có thêm những thông tin về các hiệp định FTA và tìm hiểu thêm được sự kết nối với tổ chức tài chính hỗ trợ xuất khẩu.

Được biết, sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm giúp DNNVV Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy liên kết doanh nghiệp” và Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam (SFV-Export) do Liên minh châu Âu tài trợ và được phối hợp thực hiện bởi tổ chức Oxfam tại Việt Nam cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trên thực tế, các sàn thương mại điện tử hiện vẫn đang nỗ lực kết nối để giúp DNNVV Việt Nam giao dịch toàn cầu nhằm tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên với tầm quan trọng của thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng được nâng cao, việc sở hữu kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử là rất quan trọng. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ DNVVN tăng hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử, thông qua các dự án kết nối, chương trình hợp tác… các doanh nghiệp có thể trang bị thêm các kỹ năng cần thiết để tận dùng cơ hội và gia tăng hiệu quả, vươn tầm quốc tế.

Có thể bạn quan tâm