Ngày 15/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng – Triển vọng và thách thức”.
Tại Tọa đàm, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chuyên gia kinh tế cho biết, cá nhân bà hoàn toàn đồng tình với chủ trương về việc phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, bởi đây là một dự án cần thiết cho tương lai dài hạn.
Việt Nam là một đất nước trải dài từ Bắc vào Nam, và dù đã có nhiều phương tiện giao thông khác được đầu tư và phát triển, nhưng đường sắt cao tốc vẫn sẽ là một phương tiện quan trọng, mang lại nhiều hiệu quả trong tương lai.
“Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất đặt ra ở đây là: Làm thế nào để thực hiện, khi nào thì làm, và nguồn lực để triển khai sẽ đến từ đâu? Điều này khiến tôi, cũng như nhiều người khác, cảm thấy băn khoăn. Chúng ta đã thực sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để chọn lựa phương án tốt nhất chưa?”, vị chuyên gia này bộc bạch.
Đường sắt cao tốc được nhiều người ủng hộ, nhưng trong giới chuyên gia vẫn còn nhiều tranh cãi giữa hai phương án. Một là xây dựng đường sắt với tốc độ cao 350 km/h, phục vụ riêng cho hành khách, với mục tiêu như lời nói đùa "sáng ăn sáng Hà Nội, tối ăn tối Sài Gòn". Phương án này nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng liệu có thực sự hiệu quả hơn so với phương án đường sắt cao tốc tốc độ vừa phải - khoảng 250 km/h, có thể chở cả hành khách lẫn hàng hóa? – bà Lan bày tỏ sự băn khoăn.
Việc chở hàng nhanh với chi phí rẻ hơn sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Khi kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, người dân sẽ có khả năng chi trả cao hơn để sử dụng đường sắt cao tốc. Nếu hàng hóa không được lưu thông nhanh chóng và đời sống không được cải thiện, nguồn thu từ đường sắt cũng khó đảm bảo.
Các quốc gia giàu có khi phát triển đường sắt cao tốc thường đã có thu nhập trung bình cao và người dân sẵn sàng chi trả. Tại Việt Nam, tỷ lệ người dân có khả năng chi trả cho việc sử dụng đường sắt cao tốc hiện vẫn còn là vấn đề lớn.
Vấn đề thứ hai bà Phạm Chi Lan nêu ra là Thủ tướng mới đây đã mời các doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia vào các dự án lớn như đường sắt cao tốc. Đây là một động thái rất đáng mừng.
“Trước đây, các dự án lớn thường do doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài thực hiện, nhưng khu vực tư nhân trong nước không có vai trò đáng kể. Trong khi đó, khu vực tư nhân của Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều doanh nghiệp đã đủ lớn mạnh và trưởng thành để tham gia vào các dự án quan trọng này. Với tinh thần tự lực, tự cường, chúng ta rất cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tham gia, có thể hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp nhà nước để tận dụng công nghệ cao và nguồn lực tốt nhất”, bà Lan chia sẻ.
Điều thứ ba mà vị chuyên gia này muốn nhấn mạnh là cần phải có một quá trình tham vấn rộng rãi, bao gồm ý kiến của các chuyên gia và cả đông đảo người dân. Điều này rất quan trọng để đánh giá toàn diện các lợi ích và rủi ro của dự án.
“Với số vốn đầu tư ước tính lên đến 70 tỷ USD, chúng ta không chỉ cần xem xét hiệu quả mà còn phải tính đến "chi phí cơ hội" của việc triển khai dự án. Nếu đầu tư quá sớm và quá nhiều vào đường sắt cao tốc, chúng ta có thể giảm đi nguồn lực để đầu tư vào những dự án quy mô nhỏ hơn hoặc trung bình nhưng có khả năng tạo ra tác động ngay lập tức đối với đời sống người dân và sự phát triển của đất nước. Những dự án này có thể bao gồm các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và công nghiệp hóa – hiện đại hóa”, bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề.
Bà Lan đưa ra ví dụ, nếu chúng ta thực sự muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sẽ cần phải đầu tư rất nhiều vào hạ tầng và công nghệ. Nếu nguồn lực bị dồn quá nhiều vào dự án đường sắt cao tốc, mà không đủ để phân bổ cho các lĩnh vực quan trọng khác như công nghiệp hoặc nông nghiệp, thì chúng ta sẽ không đạt được các mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững.
Bởi lẽ, việc phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có sự tác động đồng bộ và lan tỏa đến nhiều ngành nghề khác nhau, chứ không chỉ dựa vào một hạ tầng giao thông duy nhất. Bản thân đường sắt cao tốc có thể mang lại những tác động tích cực trong dài hạn, nhưng không thể kỳ vọng nó sẽ tạo ra đột phá toàn diện trong mọi lĩnh vực.
Cuối cùng, vị chuyên gia kinh tế này đã đề cập đến một yếu tố rất quan trọng, đó là tác động của biến đổi khí hậu. Cơn bão Yagi gần đây đã chứng minh sự khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Nó không chỉ kéo dài trong 15 giờ mà hậu quả của nó có thể kéo dài đến 15 tháng, thậm chí 15 năm.
Tuyến đường sắt cao tốc dự kiến sẽ đi qua nhiều vùng miền Trung, nơi chịu ảnh hưởng mạnh từ các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chúng ta cần đánh giá kỹ lưỡng về khả năng sạt lở, ngập lụt, và các nguy cơ thiên tai khác có thể xảy ra. Nếu không dự báo đầy đủ các rủi ro này, dự án có thể sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi.
“Thường thì khi các Bộ, ngành trình bày dự án, họ có xu hướng nhấn mạnh lợi ích và làm giảm đi những rủi ro. Tuy nhiên, tôi hy vọng Quốc hội sẽ tính toán một cách thận trọng, chia nhỏ dự án thành các giai đoạn và dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định. Việc đầu tiên sau khi thông qua chủ trương phải là đầu tư vào công tác nghiên cứu, đánh giá một cách thấu đáo để đảm bảo sự thành công lâu dài của dự án”, bà Lan nói.