Với mục tiêu tăng cường hoạt động thương mại điện tử, TikTok - nền tảng mạng xã hội phổ biến đang hướng đến một mục tiêu đầy tham vọng trị giá 20 tỷ USD. Bất chấp những trở ngại, nền tảng mạng xã hội nổi tiếng này không ngừng tìm cách thúc đẩy doanh thu của mình.
TikTok Shop cho phép người dùng mua các mặt hàng khi lướt qua nguồn cấp dữ liệu vô tận gồm các video ngắn và phát trực tiếp trong ứng dụng truyền thông xã hội chính của mình, hy vọng người tiêu dùng sử dụng như một giải pháp thay thế cho Shopee và Amazon.com. Định dạng đó kết hợp giải trí với mua sắm đã giúp Douyin giành lấy một phần lớn chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc từ Alibaba và JD.com, đặc biệt là sau khi các quy tắc phong tỏa trong đại dịch khiến mọi người dành nhiều thời gian hơn cho trực tuyến.
Mở rộng trên toàn cầu
Theo Bloomberg, TikTok của ByteDance đang nhắm tới việc tăng gấp 4 lần kích thước mảng kinh doanh thương mại toàn cầu, đạt chỉ tiêu tổng giá trị hàng hoá giao dịch (GMV) lên 20 tỷ USD trong năm nay. Động lực chính tạo ra tăng trưởng này là nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh tại Đông Nam Á.
Nếu thành công, con số kể trên sẽ tăng chóng mặt so với mức doanh thu 4,4 tỷ USD vào năm ngoái. TikTok cũng đang đặt cược vào những thị trường như Indonesia – nơi nhiều người có tầm ảnh hưởng tham gia bán các sản phẩm từ quần jean tới son môi thông qua các buổi livestream.
TikTok hiện đang tìm cách mở rộng doanh số bán ở Mỹ và châu Âu mặc dù những thị trường này chỉ chiếm một phần nhỏ trong mục tiêu doanh thu 20 tỷ USD của họ.
Startup giá trị nhất thế giới hiện đang nỗ lực tìm cách chiếm thị phần "miếng bánh" lớn hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử trị giá 17.000 tỷ USD khi động lực doanh thu chính - là mảng quảng cáo đang có dấu hiệu chậm lại do nền kinh tế đi xuống.
Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng hoạt động thương mại điện tử tại Mỹ của TikTok hiện đang bị đe doạ bởi những lệnh cấm liên quan đến lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc hình thành nên mối quan hệ hợp tác với những nhà bán hàng và thương hiệu địa phương có thể giúp TikTok nhận được sự hỗ trợ quan trọng khi họ bắt đầu bảo vệ mình trước toà án.
TikTok có ý định xuất khẩu mô hình thương mại của mình tới Mỹ và giới thiệu tới 150 triệu người dùng ở đây. Họ cũng đề xuất hàng loạt biện pháp để xử lý những lo ngại về vấn đề dữ liệu người dùng và cho phép các đối tác như Oracle xem xét công nghệ của họ. Tuy nhiên, bang Montana đã áp dụng luật cấm tải ứng dụng TikTok bắt đầu từ năm 2024 và các nhà làm luật cũng đang muốn áp dụng biện pháp tương tự với quy mô quốc gia.
Cạnh tranh gay gắt
Hiện TikTok Shop vẫn là một phần rất nhỏ trong doanh thu 80 tỷ USD của Bytedance. Để so sánh, Sea Group - công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á - đã tăng doanh thu mảng thương mại điện tử lên 18% lên 73,5 tỷ USD vào năm ngoái. Nhưng mục tiêu tích cực đó có thể bị thành công của TikTok Shop lấn át khi xu hướng livestream trở thành “con át chủ bài” của thị trường mua sắm trực tuyến.
Theo công ty nghiên cứu thương mại điện tử Cube Asia, chỉ riêng doanh thu trên TikTok Shop của Indonesia đã vượt mức 2,5 tỷ USD năm 2022 và đạt 1 tỷ USD chỉ trong ba tháng đầu năm 2023. Đồng thời, TikTok đã cắt giảm khoảng 2 tỷ USD so với mục tiêu năm 2022 về doanh số bán quảng cáo, minh họa cho sự chậm lại đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ.
TikTok không được coi là một sàn thương mại điện tử truyền thống như Shopee, Lazada hay Amazon. Mặc dù, TikTok đã mở rộng hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng của mình, tuy nhiên, nó chưa đạt được cùng mức độ cạnh tranh và quy mô với các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada và Amazon.
Shopee và Lazada là hai sàn thương mại điện tử phổ biến ở Đông Nam Á, trong khi Amazon là một sàn thương mại điện tử quốc tế đầu bảng. Cả Shopee, Lazada và Amazon đều có mô hình kinh doanh phát triển lâu đời, hệ thống hậu cần và cơ sở khách hàng rộng lớn. Họ cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ, từ đồ điện tử, thời trang, đồ gia dụng đến hàng tiêu dùng và nhiều hơn nữa.
Năm 2021, TikTok bắt đầu triển khai dịch vụ tương tự cho các thị trường bao gồm Indonesia, Việt Nam và Anh.
Tại Việt Nam, TikTok chính thức triển khai tính năng Shop vào tháng 4/2022. Dù gia nhập muộn hơn Shopee, Lazada,Tiki hay Sendo, TikTok Shop lại sớm có chỗ đứng tại thị trường thương mại điện tử nội địa.
Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Metric, 5 sàn lớn nhất hiện nay là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop ghi nhận tổng doanh thu bán hàng lên tới 39.000 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Trong đó, TikTok Shop đóng góp 15,3% tổng doanh thu bán hàng, đạt 6.000 tỷ đồng với 41,2 triệu sản phẩm giao thành công từ 68.411 nhà bán, và đã vượt qua Tiki và Sendo.
Song, nền tảng này đang bị cơ quan quản lý Việt Nam thanh, kiểm tra do xuất hiện nhiều biểu hiện vi phạm. Đối với hoạt động thương mại điện tử, xác định ban đầu cho thấy TikTok Shop không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái…
TikTok có tiềm năng để cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử do sở hữu một cộng đồng người dùng lớn và sự phổ biến của ứng dụng trong giới trẻ. TikTok có thể tận dụng sức hấp dẫn của nền tảng video ngắn này để tạo ra trải nghiệm mua sắm mới và thu hút người dùng. Tuy nhiên, thành công của TikTok trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn còn phụ thuộc vào việc phát triển và triển khai các giải pháp kinh doanh phù hợp và thu hút được sự quan tâm và tin tưởng của người dùng.