Doanh nghiệp Việt vướng "rào cản xanh" khi thâm nhập thị trường quốc tế

Hiện nay, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững trở thành xu thế tất yếu của thế giới…
phát triển xanh
Đồi chè theo hướng phát triển xanh. Ảnh minh hoạ

Tại diễn đàn Thương mại xanh năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng, nhận thức về tiêu dùng xanh đã có một bước tiến dài. Nếu như trước đây tiêu dùng xanh chỉ được hiểu là một khâu của quá trình sản xuất, đó là người tiêu dùng lựa chọn sử dụng các sản phẩm xanh.

Đặc biệt, tiêu dùng xanh không chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó mà được mở rộng hơn rất nhiều, là khái niệm mang tính hệ thống, hoàn thiện ở tất cả các khâu, từ sản xuất phân phối đến tiêu dùng và quay trở lại sản xuất. Để có được sản phẩm xanh để phục vụ tiêu dùng, thì cần một hệ sinh thái từ nguyên liệu xanh, tài chính xanh, năng lượng xanh, đặc biệt là hệ thống chính sách, hành lang pháp lý.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ thêm, các nhà đầu tư những năm gần đây khi đến với TP.HCM luôn đặt câu hỏi về năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh. Những nhà đầu tư đã đến từ trước cũng muốn được các chính sách hỗ trợ để "xanh" hơn. Bởi nếu không đáp ứng được các tiêu chí xanh thì sản phẩm của họ sản xuất ra không thể xuất khẩu vào các thị trường châu Âu và các nước phát triển khác. Như vậy thì không thể tồn tại, phát triển được và do đó chuyển đổi xanh trở thành vấn đề rất cấp bách.

Bàn về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra ở nhiều thị trường quốc tế, hoặc đánh mất nhiều cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Hiện nay, quá trình chuyển đổi xanh là yêu cầu thiết yếu trong doanh nghiệp, song quá trình này vẫn còn nhiều thách thức như tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên. Điều này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước.

Tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng đề xuất phát triển các yếu tố cần thiết cho hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, như các quỹ đầu tư, tài trợ, mô hình hợp tác kết nối các bên, sự hỗ trợ quốc tế, công nghệ, nhân lực.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế xanh cần có mô hình thí điểm, với vai trò "dẫn dắt" của doanh nghiệp đầu ngành, cùng phối hợp với nhà nước, nhà khoa học, tổ chức quốc tế. Đặc biệt, cần có đề án cụ thể cho TP.HCM, tuy nhiên, phải áp dụng theo hướng mở, có lộ trình từng bước và thực chất, hiệu quả, khả thi, không cầu toàn.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển xanh, HUBA sẽ thực hiện nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến giao thương góp phần nâng cao nội lực của doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững.

Ngoài ra, HUBA kết nối hệ thống phân phối, tổ chức tín dụng nhằm tìm kiếm chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận và vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi, phù hợp với quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm