Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung và “bí truyền” thương hiệu May Ba Thành

may-BA-THÀNH-title.jpg

“Ba Thành” là bí danh của ba tôi trong thời kỳ ông hoạt động tình báo với danh nghĩa người sáng lập Nhà may Thời Đại. Sau ngày đất nước thống nhất, thương hiệu nhà may Thời Đại Sài Gòn xưa - Ba Thành đã được ông xây dựng và phát triển, trở thành cái tên quen thuộc với người dân Hà Nội. Là một người con trong nhà được tiếp nhận nghề may từ ông, với tôi, thương hiệu “Ba Thành” không chỉ là “bí danh” mà còn là “bí truyền”. Đó là những chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung với Thương Gia...

Theo doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung, Nhà may Thời Đại – tiền thân của thương hiệu Ba Thành do bố ông là nhà tình báo Nguyễn Ngọc Thành thành lập năm 1965. Mặc dù nhà may được lập ra để che mắt cho hoạt động tình báo, ông Nguyễn Ngọc Thành đã không ngừng nghiên cứu và tìm kiếm những nét đẹp trong phong cách ăn mặc của người phương Tây hòa quyện với sự thâm trầm, sâu sắc của phương Đông, đặc biệt là nét đẹp từ tà áo dài của Việt Nam.

TÔI ĐƯỢC THỪA HƯỞNG TỪ BỐ RẤT NHIỀU

Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình ra đời của Nhà may Ba Thành và người cha đặc biệt của mình?

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung: Bố tôi là một tình báo viên với bí danh Ba Thành, có nhiệm vụ vào nằm vùng tại Nhà may Thời Đại nổi tiếng đất Sài Thành - nơi có nhiều tướng tá quân đội, quan chức của chính quyền tới may đồ Âu phục. Với nghề may đã được truyền từ gia đình trước đó, cộng thêm Cục Tình báo cho học nghề nâng cao, bố tôi đã trở thành thợ may nổi tiếng của Nhà may Thời Đại. Từ vỏ bọc là một thợ may tay nghề cao, bố tôi đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc kháng chiến và giành chiến thắng của toàn dân tộc.

Hoàn thành nhiệm vụ, đất nước thống nhất, bố tôi trở về Hà Nội tiếp tục công tác với quân hàm Đại tá tại Bộ Tư lệnh Đặc công. Ông kiếm sống thêm bằng công việc may âu phục, áo dài tại phố cổ Hà Nội và dạy nghề cho các thanh niên chưa có việc làm với tên tiệm: Nhà may Thời Đại Sài Gòn xưa - Ba Thành.

Sau khi ông mất, thương hiệu nhà may Ba Thành được mấy anh em chúng tôi tiếp tục chung tay gìn giữ và tôi được chọn là người đứng ra chịu trách nhiệm chính.

may Ba Thành.jpg

Với những thành tích của bố mình trong thời chiến cũng như thời bình, ông đã học được gì ở đấng sinh thành từ cuộc sống đến công việc, thưa ông?

Ngày xưa, ngay từ hồi mới chập chững vào nghề, bố căn dặn tôi rằng, mọi khâu làm ra sản phẩm đều phải trau chuốt tỉ mỉ. Ngay cả việc khâu cúc cũng phải khâu cho thật cẩn thận, để làm sao khi quần áo có hỏng mà cái cúc áo, cúc quần vẫn còn bền chắc.

Tôi luôn nhớ một câu mà bố dạy anh em tôi từ khi còn bé, và giờ tôi cũng dùng câu đó để dạy con trai mình: “Con đã không làm thì thôi, còn khi đã làm việc gì dù rửa bát hay quét nhà thì cũng đừng để người khác phải làm lại”. Chính lời dạy đó đã ăn sâu và trở thành tính cách, con người tôi đó là luôn phải có tâm và trách nhiệm với mọi việc mà mình đảm nhận, trong đó có nghề may đo.

Bố tôi đã bao lần đối diện với cái chết, trách nhiệm trước sự sống còn của đồng đội… trong chiến tranh, nên ở ông luôn toát ra sự hào sảng, kiên cường và đặc biệt là tinh thần lạc quan mà chúng tôi luôn muốn học hỏi và có phần ảnh hưởng từ cha mình. Vì vậy mà qua rất nhiều khó khăn, thăng trầm của cuộc sống, của thị trường, của cạnh tranh khốc liệt trong ngành thời trang thì anh em, vợ chồng tôi vẫn giữ vững niềm tin, đam mê với nghề nghiệp mà cha để lại.

Cũng vì bố tôi là người thiệt thòi từ bé (sớm mồ côi cha mẹ, ở với chú thím), nên ông rất trân trọng gia đình, yêu thương các con hết mực và đặc biệt luôn biết ơn vợ mình. Điều này, tôi luôn quan sát và học hỏi từ cha mình, tôi hiểu và nâng niu giá trị khi có mẹ cũng như vợ mình nhiều lắm. Tôi cho rằng đó là phúc mà tôi có được từ bố, khi mẹ tôi, vợ tôi, các em dâu tôi rất hòa thuận, trân quý và yêu thương nhau.

Nhà may Ba Thành là một nhà may lâu đời và nổi tiếng, nhưng ông lại không kế nghiệp truyền thống gia đình ngay từ thời trẻ. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Tôi không kế nghiệp truyền thống gia đình ngay từ thời trẻ là do lúc đó tôi bị mất định hướng. Thời điểm đó, bạn bè xung quanh tôi kiếm tiền rất tốt từ mọi nghề. Tôi cũng chăm chỉ may vá nhưng thu nhập mang lại không đáng là bao, trong khi tương lai nghề may lại mịt mù. Thế nên tôi quyết định tìm cách bay nhảy ra ngoài với mong muốn sẽ trở nên giàu có như bạn mình.

Sau một khoảng thời gian chông chênh với sóng gió cuộc đời (mặc dù hàng tối vẫn miệt mài với mũi kim, sợi chỉ), tôi mới ngấm lời dạy của cổ nhân “Nhất nghệ nhân, nhị thân vinh”, “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”… Mà nghệ nhân là ai? Là chính người cha đáng kính và thạo nghề của mình! Nghề may là một nghề luôn gắn chặt với nhu cầu ăn, mặc của con người ở mọi giai đoạn phát triển. Càng có nhiều tiền thì người ta càng có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp. Nếu mình làm nghề với cả tâm – tài và niềm đam mê, mang lại vẻ đẹp cũng như nâng cao giá trị bản thân cho khách hàng, dứt khoát nghề sẽ không phụ công người…

Trước đây, một mặt hàng trở nên nổi tiếng và đến được với nhiều người tiêu dùng thì chỉ cần “Hữu xạ tự nhiên hương”, tức là làm tốt khắc được biết đến. Trong thời đại người khôn của khó, người ta lại nói “Hữu xạ có gió tự nhiên hương”. Gió ở đây là truyền thông, quảng bá sản phẩm. Nếu mình làm tốt, biết cách quảng bá thương hiệu và sản phẩm làm ra thì sẽ có nhiều khách hàng đến với mình.

Hiểu thấu điều đó, hai vợ chồng chúng tôi, sau khi đã trải nghiệm đủ các ngành nghề khác từ thời trẻ, đã quyết định tiếp nối nghề của cha tôi, gắn bó và cố gắng lan tỏa thương hiệu Ba Thành – thương hiệu và cũng là bí danh trong nghề hoạt động tình báo của ông.

Quyết định này chắc chắn được cả nhà ủng hộ vì có người đứng ra giữ gìn nghề truyền thống của gia đình, thưa ông?

Thực ra mẹ vẫn muốn tôi “chân trong chân ngoài”, vừa làm trong Nhà nước vừa theo nghề bởi từ đời ông đến thời bố tôi đều vậy. Bố tôi là một đại tá quân đội nên khi nghỉ hưu vẫn nhận lương của một đại tá. Do đó mẹ muốn tôi đi theo con đường của bố cho đỡ bấp bênh, sau này già cả còn có lương hưu.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ lập trường của mình để toàn tâm toàn trí, toàn lực với nghề sau khi nhận ra giá trị của ông và bố tôi để lại. Người ta thường có câu: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, bố tôi đã làm được điều đó và tôi đã thừa hưởng được từ bố rất nhiều. Do đó có bao nhiêu năng lực là tôi dồn hết vào nhà may, hay nói cách khác là “đánh cược với số phận”, thành công thì không hổ danh thương hiệu mà thất bại thì cũng chẳng còn gì để… ngày hôm nay ngồi đây chia sẻ cùng chị.

may-Ba-Thành---box.jpg

TÔI TIẾC KHI NHÀ MAY LỚN MẠNH THÌ BỐ ĐÃ… KHÔNG CÒN

Cụ thể là thời điểm nào ông mới nhận ra điều quý giá đó, thưa ông?

Đó là vào năm 2015, khi cụ thân sinh của tôi ra đi. Sau đó, tôi mới nhận ra giá trị của nghề nghiệp, giá trị của những gì mà bố muốn truyền cho mình. Trước đó, khi ông chia sẻ về những kỹ thuật trong nghề, tôi chưa nắm hết ý nên chỉ hiểu đơn thuần là bố đang truyền nghề cho con cái.

Còn sau khi ông mất, tôi mới thật sự thấm thía rằng, sự chỉ dạy đó đã gửi gắm rất nhiều tình cảm cũng như ước nguyện của một người cha muốn con cái tiếp nối nghề nghiệp truyền thống của gia đình. Những lời đó thấm thía mãi cho tới tận bây giờ, khi tôi đang ngồi đây và trả lời phỏng vấn của Thương Gia.

Khi thương hiệu Ba Thành đã lớn mạnh, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến thì người sinh thành ra anh đã không còn… Điều đó quả thật đáng tiếc, thưa ông!

Tiếc nhiều chứ, rất nhiều! Tôi tiếc nuối vì nhận ra ước nguyện của bố mình muộn quá. Giá mà tôi nhận ra được điều đó khi bố tôi còn sống. Giá mà ba Thành của tôi có mặt trong không gian như thế này thì ông sẽ hạnh phúc lắm.

Tôi không ước rằng có thể đưa bố mình đi du lịch nước này nước kia. Tôi cũng không ước được đưa ông đến nghỉ ngơi tại những khách sạn hạng sang hay ăn uống tại các nhà hàng xa hoa lộng lẫy... tôi chỉ ước bố tôi có thể nhìn thấy nhà may mang tên ông bây giờ đã có một diện mạo mới, lớp khách hàng mới, đặc biệt là lớp doanh nhân thành đạt – những người luôn coi trọng “y phục xứng kỳ đức”…

Nước mắt của người đàn ông không dễ dàng rơi trước mặt người khác, nhất là với người mới lần đầu gặp gỡ. Nhưng với doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung, ông đã đỏ hoe mắt và có lúc nghẹn ngào khi trải lòng về sự tiếc nuối của mình với người viết. Tôi thật sự xúc động khi nghe những tâm tư đó và ngẫm rằng, biết đâu mình cũng đã có lúc làm cho các bậc sinh thành buồn lòng mà không biết để có thể tiếc nuối như vị doanh nhân này. Điều đó còn đau lòng hơn gấp bội so với những gì mà doanh nhân Trung đã trải qua. Sau một khoảng lặng trong không gian chúng tôi ngồi trò chuyện, ông Trung đã lấy lại tinh thần và nói tiếp: Đúng là trên đời có nhiều việc qua đi rồi mới thấy đáng tiếc, tuy nhiên chúng tôi sẽ biến sự nuối tiếc đó thành hành động.

Và hành động đó là…?

Tôi hiểu sứ mệnh của mình là phải “đem lại vẻ đẹp sang trọng, lịch lãm cho thật nhiều người Việt”. Do đó, chúng tôi sẽ nỗ lực, học hỏi thêm nhiều điều mới để sản phẩm của Nhà may Ba Thành có thể đến tay được nhiều khách hàng hơn nữa.

Chúng tôi sẽ làm việc với tinh thần mang lại cho xã hội một sản phẩm thực sự tốt, đồng thời duy trì cũng như lan toả hơn nữa tên tuổi của Nhà may Ba Thành đến với mọi người.

Trong tương lai ông có ý định mở thêm các cửa hàng trên cả nước để thương hiệu Ba Thành ngày càng vươn xa?

Tôi chưa tính đến điều này, nhưng nếu được tôi sẽ mở hai đến ba điểm là cùng. Bởi thực tế chúng tôi vẫn bay khắp cả nước để lấy số đo của khách hàng.

Chúng tôi muốn tập trung vào chuyên môn và chất lượng chứ không muốn mở tràn lan. Khi mọi người đã biết đến Nhà may Ba Thành, họ có thể gọi điện và chúng tôi sẽ đến tận nơi phục vụ chứ không nhất thiết mở thêm địa điểm nữa.

KHÔNG CHẤP NHẬN SẢN PHẨM LÀM RA CHỈ ĐẸP TƯƠNG ĐỐI

Hiện nay, trên thị trường có một số ứng dụng công nghệ có thể hỗ trợ tốt trong việc lấy số đo online của khách hàng, Ông có thể chia sẻ vì sao Nhà may Ba Thành chưa sử dụng công cụ hỗ trợ đó nhằm giảm thời gian cũng như chi phí di chuyển so với khi trực tiếp đi lấy số đo của khách hàng, thưa ông?

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu về các công nghệ hỗ trợ đó. Tuy nhiên, có một thực tế là đối với sản phẩm thủ công, khách hàng muốn được phục vụ trực tiếp từ khâu đầu tiên là lấy số đo chứ không muốn nhờ qua công nghệ.

Tôi cũng đồng quan điểm với khách hàng trong việc này. Bởi khi đo trực tiếp như thế tôi mới thấy tận mắt được điểm mạnh, điểm khuyết trên cơ thể của khách hàng. Điều đó sẽ giúp chúng tôi tôn đúng điểm mạnh của khách và che đi những điểm còn chưa hoàn hảo trên cơ thể của họ.

Còn với việc lấy số đo qua online, tôi cho rằng khi sử dụng ứng dụng hỗ trợ sẽ không thể quan sát từng chi tiết nhỏ được. Do đó, sản phẩm làm ra sẽ chỉ có thể đạt ở mức đẹp chứ không thể gọi là hoàn hảo.

may-Ba-Thành---box1.jpg

Có nghĩa với quan điểm của ông, ứng dụng công nghệ 4.0 vào may mặc là không khả thi?

Không những khả thi mà còn rất tốt là đằng khác. Với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào may đo sẽ giúp nhà may có thêm một tệp khách hàng không yêu cầu quá cao về sản phẩm. Tuy nhiên, với Nhà may Ba Thành, chúng tôi không muốn những sản phẩm mình làm ra chỉ mang tính chất tương đối. Chúng tôi cần sản phẩm may xong phải thực sự đẹp, thật sự chỉn chu, giúp khách hàng cảm thấy thanh thoát và sang trọng khi mặc chúng.

Trong khi đó, riêng về dòng veston thì việc ứng dụng công nghệ vào may đo cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. May đúng chiều dài tay rất dễ, đúng chiều dài quần không hề khó tí nào. Nhưng với phom dáng, cơ thể người mặc lại khác. Phải khảo sát bằng thước cũng như khả năng hình dung về không gian cơ thể khách hàng.

Tôi lấy ví dụ nhé, nếu cơ thể khách hàng không béo không gầy, mặc veston chắc chắn sẽ đẹp. Cũng với khách hàng đó, nhưng họ lại có thói quen lúc đứng hơi nghiêng người thì tôi lại cần một áo vest phục vụ cho đúng dáng đứng của họ. Còn nếu khách hàng hơi gù, thì phải làm ra một cái áo mà khi người ta mặc vào trông vẫn rất lịch lãm.

Nói tóm lại, lấy kích thước thì rất dễ nhưng nhìn được phom dáng của khách hàng lại là câu chuyện khác hoàn toàn. Nó yêu cầu rất nhiều kỹ năng, kiến thức của người thợ nhiều năm kinh nghiệm, có nhiều kiến thức chuyên môn trong nghề.

MỖI KHÁCH HÀNG LÀ MỘT ĐẠI SỨ THƯƠNG HIỆU

Được biết Nhà may Ba Thành bảo hành sản phẩm từ 3 đến 5 năm. Liệu thời gian bảo hành như vậy có quá dài không, thưa ông?

Tại Nhà may Ba Thành, ngoài tay nghề thì điều chúng tôi luôn đề cao đó là tinh thần phục vụ. Và tinh thần ấy được kế thừa từ bao đời nay. Đấy là giá trị mà chúng tôi phải giữ gìn cho bằng được. Chúng tôi cho rằng đó là điểm mà khách hàng sẽ nhớ đến Ba Thành.

Chúng tôi luôn tâm niệm, mỗi một khách hàng là một đại sứ thương hiệu của Ba Thành, cho dù người đấy là ai, làm nghề gì. Thế nên chúng tôi không bao giờ từ chối những yêu cầu của khách hàng liên quan đến sản phẩm của mình. Do vậy, thời gian bảo hành sản phẩm lên đến 5 năm theo tôi là không dài.

Trong trường hợp người mặc không làm quần áo rách, hỏng thì 5 năm sau nó vẫn đẹp. Lúc đấy khách hàng muốn may lại cái cúc bị xổ chỉ, hay cơ thể có mập hơn, muốn nới rộng ra hoặc nếu gầy đi lại muốn may vào, rồi muốn xả dài gấu quần xuống theo một phong cách khác… nhà may vẫn phục vụ một cách miễn phí, tận tình, chu đáo, sẵn sàng hỗ trợ đến cùng.

Với cách làm như vậy nên Ba Thành vẫn hoạt động thường xuyên, không bị gián đoạn ngày nào, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra vừa qua.

vợ chồng may Ba Thành.jpg

Không phải là khen chồng nhưng từ khi về làm dâu, ba chồng hay nói với tôi rằng chồng tôi là đứa con có tâm. Ông rất tin tưởng vào chồng tôi. Với sự tin tưởng đó nên trước khi ba mất, ba dặn dò vợ chồng chúng tôi phải cố gắng giữ lấy nghề. Vì vậy, ngoài giờ lên lớp (tôi là giáo viên dạy Ngữ văn THPT), tôi luôn đồng hành cùng chồng mình trong việc gìn giữ và lan toả hơn nữa thương hiệu Nhà may Ba Thành.

Chồng tôi rất trọng chữ tín. Nếu sản phẩm làm ra gặp một vài lỗi nhỏ, anh ấy sẵn sàng bỏ đi và nhập lô vải mới về làm lại cho khách. Nhiều lúc sản phẩm làm ra bị lỗi rồi huỷ, rồi nhập vải mới và may lại cho khách khiến chúng tôi đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, tôi đã đôi lần đề xuất với chồng nên tặc lưỡi mà giao hàng cho khách để thu tiền về. Vì thực tế, sản phẩm nhìn bằng cảm quan thấy sẽ rất đẹp, chỉ người làm nghề mới nhận ra một vài lỗi nhỏ ấy thôi. Tuy nhiên anh xã một mặt động viên tôi, mặt khác vẫn giữ vững lập trường của mình nên tôi không thể lay chuyển được. Với anh ấy, dù có phải đi vay mượn thì cũng kiên quyết phải may lại cho khách đến khi đẹp thì thôi.

Điều đáng quý là anh xã rất khắt khe, kỹ tính với thợ thuyền trong mọi công việc. Nhưng khi sản phẩm họ làm ra bị lỗi thì anh ấy kiên nhẫn yêu cầu họ làm lại mà không bao giờ trách cứ họ, các khoản lương thưởng vẫn được giữ nguyên.

Bà Đào Thị Hương
(Giám đốc kinh doanh, vợ của doanh nhân Nguyễn Ngọc Trung)

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Tỷ phú Elon Musk: Không gì lãi bằng "buôn vua"!

Chiếc ghế ông chủ Nhà trắng đã được xác định với phần thắng thuộc về liên danh Donald Trump và JD Vance. Nhưng cuộc marathon bầu cử Tổng thống Mỹ còn xác định một người chiến thắng khác, ấn tượng hơn nhiều: Elon Musk!

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Đón làn sóng đầu tư mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại toàn cầu và những thay đổi trong chuỗi cung ứng...

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...