
Kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Khối dịch vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm chia sẻ về những thời cơ, thách thức của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn đất nước chuyển mình.
ĐỘNG LỰC NÀO CHO KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN?
Ông đánh giá thế nào về vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay?
Trong bối cảnh phát triển kinh tế toàn cầu, tôi tin rằng vai trò chủ đạo của kinh tế tư nhân là một xu hướng phát triển tất yếu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này khi nhìn vào các quốc gia có nền kinh tế phát triển vượt bậc trên thế giới. Từ những cường quốc như Mỹ, các nước châu Âu, đến các nền kinh tế năng động ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay thậm chí cả các Tiểu vương quốc Ả Rập, kinh tế tư nhân luôn đóng vai trò trung tâm, là động lực chính cho sự tăng trưởng và đổi mới.
Lập luận này dựa trên một logic đơn giản: Sự linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng với thị trường, và tinh thần cạnh tranh mạnh mẽ của khu vực tư nhân tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, thúc đẩy đầu tư, sáng tạo và tạo ra nhiều việc làm.
Dù mỗi quốc gia có thể có những đặc thù về thể chế chính trị, nhưng quy luật phát triển kinh tế dường như có những điểm chung nhất định. Do đó, tôi tin rằng, dù Việt Nam có những đặc điểm riêng, việc tạo điều kiện thuận lợi và phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế tư nhân sẽ là chìa khóa quan trọng để đạt được sự phát triển bền vững và thịnh vượng trong tương lai.

Chính phủ cũng đang tập trung thực hiện cải cách thể chế, coi đó là “đột phá của đột phá” để khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp kỳ vọng gì vào Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân Bộ Chính trị dự kiến ban hành trong thời gian tới?
Kỳ vọng lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp, theo tôi, tập trung vào việc xây dựng một nền tảng thể chế vững chắc và thực sự hiệu quả. Trong đó, hai yếu tố then chốt cần được ưu tiên hàng đầu.
Thứ nhất, đó là hành lang pháp lý. Chúng tôi kỳ vọng vào một hệ thống pháp luật minh bạch, rõ ràng, không chồng chéo và đặc biệt là phải đi vào cuộc sống, thực sự có tính khả thi. Thực tế cho thấy, chất lượng ban hành luật hiện tại vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Khi luật không phù hợp, không thể thực thi, nó sẽ trở thành rào cản, gây ách tắc cho sự phát triển.
Thứ hai, một yếu tố quan trọng không kém là tính hiệu quả và thái độ phục vụ của các cơ quan thực thi chính sách. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Tổng Bí thư và Thủ tướng về việc dứt bỏ tư duy “xin – cho”. Thay vào đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng các cơ quan nhà nước sẽ thực sự trở thành “bà đỡ”, tận tâm phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu tối đa các chi phí không chính thức.
Khi môi trường kinh doanh được giải phóng khỏi những rào cản này, tôi tin rằng không chỉ kinh tế tư nhân mà tất cả các thành phần kinh tế sẽ được cởi trói, khơi thông mọi nguồn lực và phát triển mạnh mẽ.
Ngoài các yếu tố vĩ mô như chính sách và môi trường kinh doanh thì khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Ông nghĩ thế nào về điều này và Tập đoàn Hồ Gươm đang tận dụng yếu tố này ra sao?
Hoàn toàn đồng ý quan điểm này. Tôi tin rằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nguồn năng lượng cốt lõi, là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà sự thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt, và chỉ những doanh nghiệp nào biết nắm bắt, ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất, quản lý, cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, dịch vụ mới có thể tồn tại và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường.
Trong thực tế hoạt động của Tập đoàn Hồ Gươm, chúng tôi nhận thấy rõ ràng tiềm năng to lớn của chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực. Lấy ví dụ như trong mảng sản xuất, trước đây, việc quản lý chủ yếu dựa vào con người và giấy tờ, dẫn đến nhiều bất cập và khó khăn trong việc tối ưu hóa hiệu suất. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực chuyển đổi số toàn diện quy trình sản xuất, từ việc thu thập và số hóa mọi dữ liệu liên quan đến hiệu quả máy móc, năng suất lao động của từng công nhân. Nhờ đó, chúng tôi kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng suất và hiệu quả hoạt động.
Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, với đặc thù là diện tích canh tác lớn, việc ứng dụng công nghệ cũng mang lại những cơ hội cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả công việc vô cùng hứa hẹn.
Đối với ngành công nghệ, việc ứng dụng công nghệ là điều hiển nhiên và không ngừng được đẩy mạnh. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, bản thân các cơ sở đào tạo cũng đang nỗ lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học và hướng đến việc ứng dụng những kết quả này vào thực tiễn doanh nghiệp theo định hướng của Bộ.
Đặc biệt, việc kết nối chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, nghiên cứu với cộng đồng doanh nghiệp sẽ là then chốt để các ứng dụng khoa học công nghệ thực sự phát huy hiệu quả, tránh tình trạng nghiên cứu chỉ nằm trên giấy tờ mà không đi vào cuộc sống.
Thưa ông, được biết sản xuất là lĩnh vực trọng yếu trong hoạt động của Tập đoàn Hồ Gươm, vậy liệu có khó khăn gì trong việc ứng dụng khoa học công nghệ?
Thực tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh là một hành trình đầy thách thức, đòi hỏi sự lột xác toàn diện của doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ và số hóa vào quản lý kéo theo sự thay đổi sâu sắc trong quy trình và phương thức làm việc.
Nếu lãnh đạo cấp cao không có sự quyết tâm thực sự, không hiểu rõ bản chất của chuyển đổi số mà chỉ chạy theo xu hướng, áp dụng một cách máy móc, thì nguy cơ phản tác dụng là rất lớn.
Thứ nhất, doanh nghiệp có thể lãng phí nguồn lực tài chính mà không thu được kết quả và hiệu quả như mong đợi. Thứ hai, một vấn đề đáng lo ngại hơn là việc áp dụng công nghệ một cách không phù hợp có thể gây ra áp lực công việc lớn hơn cho người lao động thay vì giảm bớt gánh nặng.
Đây là một thực tế không hiếm gặp trong quá trình chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp. Do đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chiến lược, sự quyết tâm của lãnh đạo và việc thấu hiểu tác động đến người lao động là những yếu tố then chốt để quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công và mang lại lợi ích thực sự.
DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN THỨC THỜI TRƯỚC VẬN HỘI MỚI
Tập đoàn Hồ Gươm có thị phần xuất khẩu hàng dệt may đáng kể sang thị trường Mỹ. Vậy theo quan điểm của ông, những chính sách thuế quan gần đây của Mỹ đã và đang tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp?
Ảnh hưởng của việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu là một vấn đề không thể phủ nhận, đặc biệt đối với những doanh nghiệp có tỷ trọng thị trường Mỹ lớn. Mặc dù hiện tại, tỷ trọng này ở một số khu vực có thể chưa cao, nhưng với nhiều doanh nghiệp, đây là một thị trường quan trọng, và việc áp thuế có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời.
Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn thế giới có nhiều biến động, với sự hình thành của các quy tắc và trật tự mới trong thương mại quốc tế. Việc Mỹ có những động thái thương mại đã đặt Việt Nam vào một vị thế chịu nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây có thể chỉ là những tác động trong ngắn hạn.
Về dài hạn, tôi lạc quan rằng Việt Nam có thể tìm được vị thế tốt trong bối cảnh mới này. Dường như trọng tâm cạnh tranh trực diện của Mỹ là với các đối tác lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chip bán dẫn và đất hiếm…

Đối với các ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam, tôi nghĩ rằng không có sự xung đột lợi ích đáng kể và cũng không đe dọa đến vị thế của Mỹ. Do đó, áp lực thuế quan có thể không quá căng thẳng trong dài hạn.
Một yếu tố quan trọng khác là thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Việt Nam. Việc chúng ta có thiện chí điều chỉnh để giảm bớt thâm hụt này có thể sẽ được Mỹ ghi nhận. Hơn nữa, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gần như không cạnh tranh trực tiếp với các ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ. Vì vậy, tôi không quá lo lắng về những tác động tiêu cực kéo dài.
Nhiều người lạc quan rằng đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp chuyển mình. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
Tôi khá đồng tình, điều quan trọng hơn cả mức thuế suất chính là cách chúng ta thích ứng và tìm kiếm những cơ hội mới trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang định hình lại.
So với các quốc gia khác, Việt Nam hiện tại vẫn có những lợi thế cạnh tranh nhất định, nói về con số ban đầu được Tổng thống Mỹ đưa ra là mức 46%, có vẻ rất cao. Tuy nhiên, cần nhìn nhận vấn đề này trong một bức tranh rộng hơn. Nếu Việt Nam có thể đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế xuống một ngưỡng hợp lý hơn, trong khi các quốc gia khác vẫn phải chịu mức thuế cao hơn, thì đó lại trở thành một lợi thế cạnh tranh đáng kể.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi so sánh với mức thuế 125% mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, mức 46% của Việt Nam rõ ràng là một lợi thế tương đối.
Việt Nam đang ở một vị thế đặc biệt trong mối quan hệ thương mại phức tạp. Với chính sách đối ngoại khéo léo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tin tưởng rằng chúng ta có khả năng vượt qua những thách thức này. Có thể trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ có những biến động mạnh, nhưng về lâu dài, với những lợi thế sẵn có và khả năng đàm phán linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng được tình hình để củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế.
Theo ông, đâu là những ưu tiên hàng đầu mà các doanh nghiệp tư nhân cần tập trung để xây dựng khả năng chống chịu trước những rủi ro và biến động khó lường của thị trường quốc tế?
Thời điểm này khá phù hợp để nói câu “trong nguy có cơ” của những người làm kinh doanh. Nếu không có khả năng nhìn nhận và nắm bắt cơ hội, chúng ta khó có thể phát triển. Tôi tin tưởng rằng, với đội ngũ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đầy tâm huyết và năng lực hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp nên có niềm tin vào sự dẫn dắt đúng đắn này.
Hơn thế nữa, Việt Nam đang đứng trước một vận hội lịch sử, có thể chỉ xuất hiện một lần trong nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ. Đó là sự hội tụ của cuộc cách mạng: tinh gọn bộ máy, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản lý. Đặc biệt là sự định hình lại trật tự địa chính trị thế giới.
Những biến động lớn này, cả trong nước và quốc tế, tạo ra một ngã rẽ quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam. Đảng và Chính phủ tiếp tục đi đúng hướng như những gì chúng ta đang thấy, tôi tin rằng đất nước ta sẽ tận dụng tối đa được những cơ hội này để bứt phá. Vì vậy, trong trung và dài hạn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin vào một tương lai tươi sáng của đất nước.
Một yếu tố quan trọng nữa là lực lượng lao động hiện tại của Việt Nam phần lớn là những người trẻ, năng động và thành thạo trong việc sử dụng công nghệ. Đây là một lợi thế vô cùng lớn so với các thế hệ trước.
Cuối cùng, việc doanh nghiệp tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ sẽ giúp tăng hiệu quả công việc, mở ra nhiều cơ hội hơn và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế, từ đó nắm bắt tốt hơn những thời cơ đang đến. Với niềm tin, sự lạc quan và việc khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức và vươn tới những tầm cao mới.
Xin cảm ơn ông!