Hiện anh Huỳnh Thanh Vạn là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, đơn vị vừa kỷ niệm 10 năm thành lập. Anh cũng vừa cho ra mắt cuốn sách “Vượt lên nghịch cảnh” kể về chính những câu chuyện kinh doanh, trải nghiệm của mình, truyền cảm hứng khởi nghiệp đến các bạn trẻ. Dịp này, Thương Gia đã có cuộc trò chuyện với anh xung quanh cuốn sách và những câu chuyện về khởi nghiệp.
VIẾT SÁCH VÌ SỢ... KHÔNG CÒN CƠ HỘI!
- Động lực nào thôi thúc anh viết cuốn sách này?
Tôi yêu và đọc sách từ nhỏ. Hồi đi học, tôi thường làm lớp trưởng, nhiều lần đứng giữa thầy cô và bạn bè, rất khó xử nhưng nhờ đọc Đắc Nhân Tâm, tôi tìm ra cách ứng xử khéo léo, giữ được tình cảm với cả thầy cô và bạn bè. Tôi luôn coi sách như một người thầy, nhiều vấn đề tôi đã tìm ra lời giải nhờ sách.
Sau nhiều năm tham gia hỗ trợ, tư vấn về khởi nghiệp, tôi đã đến rất nhiều trường đại học, làm diễn giả, nói rất nhiều chuyện về khởi nghiệp, kinh doanh, những trải nghiệm của chính mình. Nhiều lắm. Tôi nghĩ, mình cần hệ thống lại thật gọn gàng, xúc tích bằng một cuốn sách để ai cần thì có thể đọc.
Ấp ủ thì đã lâu nhưng vừa rồi, khi gặp biến cố về sức khỏe “suýt chết”, tôi mới giật mình, cuộc đời nay còn mai mất, cái gì cần làm thì phải làm ngay, không chỉ cuốn sách này mà còn nhiều việc khác, nếu chần chừ thì đôi khi không còn cơ hội để làm.
- Anh tin vào điều gì khi “nhả tơ”, viết ra những điều mình tâm đắc nhất?
Tôi tin vào giá trị của những kiến thức, trải nghiệm trong nhiều năm làm kinh doanh, khởi nghiệp của mình sẽ giúp ích cho những bạn trẻ đã và đang có ý định khởi nghiệp. Thực tế mà nói, để khởi nghiệp thành công cần rất nhiều thứ, một trong số đó là niềm tin.
Tôi đã hơn 10 năm tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp nhưng vẫn thấy mình không có đủ thời gian, tiền bạc, công sức để hỗ trợ nhiều hơn. Vì vậy, thông qua cuốn sách nhỏ bé này, tôi muốn truyền lửa, tiếp thêm niềm tin, kiến thức, kinh nghiệm cho các bạn trẻ. Tôi tin là nếu mỗi người chúng ta cùng góp sức, dù nhiều hay ít thì cũng đều tạo nên sự thay đổi, sẽ có nhiều dự án khởi nghiệp thành công.
- Tựa sách là “Vượt lên nghịch cảnh” và người đọc mong chờ xem anh đã vượt lên nghịch cảnh như thế nào nhưng nội dung lại không thể hiện rõ được điều này?
Nghịch cảnh hiểu một cách đơn giản là các tình huống éo le, khó khăn và thách thức trong cuộc sống mà con người phải đối mặt. Trong kinh doanh, một khi đã xác định theo đuổi nó, các doanh nhân sẽ phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, ai vượt qua được thì sẽ thành công, không vượt qua được thì đồng nghĩa với thất bại.
Bản thân tôi cũng vậy, sinh ra vốn nghèo. Đó là một dạng của nghịch cảnh, nếu không nỗ lực vươn lên thì giờ vẫn nghèo thôi. Trong kinh doanh cũng không ít lần chơi vơi trước nghịch cảnh như cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2007 - 2008, đại dịch Covid-19, hay như giai đoạn 2022 - 2023 vừa qua, khó khăn chồng chất khi đơn hàng sụt giảm rất mạnh. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị tốt và kịp thời đưa ra những giải pháp hợp lý, linh hoạt, tôi và các cộng sự đã đưa S Furniture đã vượt qua hết, phát triển ổn định.
Mỗi người sẽ nhìn nhận và đối diện với nghịch cảnh khác nhau. Riêng tôi luôn nhìn nhận mọi việc với góc nhìn tích cực, lạc quan, coi nghịch cảnh là một món quà, giúp cho mình vững vàng, bản lĩnh hơn. Vì vậy, tôi cũng kể những điều này trong sách một cách nhẹ nhàng với mong muốn mang đến nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
- Sau cuốn sách này, anh có dự định viết thêm những cuốn khác?
Hiện tại thì chưa nhưng khi đủ tích lũy và thấy cần thiết thì tôi sẽ viết. Tôi viết sách không để phải đánh bóng cho bản thân hay doanh nghiệp của mình mà thực sự muốn giúp ích cho các bạn trẻ trên con đường xây dựng sự nghiệp. Vì vậy, tôi chỉ viết khi biết có người cần đọc nó, và cũng cần nói thêm là toàn bộ số tiền thu được từ phát hành sách, tôi sẽ tặng lại cho hoạt động khởi nghiệp.
Sau khi phát hành, “Vượt lên nghịch cảnh” được đón nhận và phản hồi rất tích cực, bên cạnh đó cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Tôi sẽ bổ sung, hoàn thiện khi tái bản.
NGƯỜI VÁC "TÙ VÀ KHỞI NGHIỆP"
- Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam do anh làm Chủ tịch vừa kỷ niệm 10 năm thành lập, điều gì làm anh ấn tượng nhất với hành trình này?
Điều tôi hạnh phúc nhất là hội đồng đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo những người cùng chí hướng, ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Người là chuyên gia, luật sư, người là kỹ sư, kiến trúc sư, giảng viên, chủ doanh nghiệp..., tất cả đều sẵn sàng hỗ trợ các bạn trẻ, các dự án khởi nghiệp bằng sự nhiệt thành, tâm huyết…
Trong 10 năm qua, chúng tôi đã kiến tạo được nhiều giá trị thiết thực, hoạt động của hội đồng đã vượt ra khỏi khu vực mà lan tỏa ra khắp cả nước. Chúng tôi đã tổ chức hơn 100 lớp học khởi sự kinh doanh dành cho sinh viên, 60 buổi giao lưu với doanh nhân thành đạt, hơn 100 khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, 15 khóa nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho chủ doanh nghiệp và thanh niên.
Chúng tôi cũng đã đồng hành tổ chức và làm giám khảo 56 cuộc thi về khởi nghiệp, mở hơn 20 khóa đào tạo giảng viên nguồn. Tổng số giờ công của tất cả thành viên tham gia hoạt động khởi nghiệp là hơn 50.800 giờ và đã thu hút 31.263 lượt sinh viên tham gia.
Các thành viên đã đóng góp hơn 5 tỷ đồng và vận động các đơn vị đối ứng với số tiền tương đương để tổ chức các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên.
Nhưng ý nghĩa rất có lẽ là nhiều dự án khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ hội đồng thì phát triển lớn mạnh và chính các chủ doanh nghiệp này đã quay lại, tham gia vào hội đồng để giúp đỡ người khác.
- Chương trình khởi nghiệp được phát động từ năm 2003, đến nay đã tròn 20 năm. Theo anh, “phong trào” này cần thêm gì để thiết thực, hiệu quả hơn?
Đây là vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở khi nhà nhà, người người nói về khởi nghiệp, hô hào khởi nghiệp ở khắp nơi. Nhưng nên nhớ, khởi nghiệp mà chưa có đủ nền tảng, kiến thức rất dễ thất bại, chẳng những không giúp ích được gì cho bản thân mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Như tôi đã nói, để một dự án khởi nghiệp thành công cần rất nhiều yếu tố. Ở góc độ nhà nước, các chính sách cần hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn về thuế, về tín dụng cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp. Còn các chủ dự án cần hết sức thận trọng, chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt trước khi khởi sự kinh doanh, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm.
Đây cũng điều mà chúng tôi có thể hỗ trợ, nhất là đối với những bạn có tư duy tốt, dự án tốt, muốn khởi nghiệp nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, thêm cho các bạn niềm tin, kiến thức, kết nối…
Chẳng hạn như chúng tôi đã triển khai chương trình Mentoring “Một kèm một”, nghĩa là một doanh nhân thành công kèm một người muốn làm doanh nhân, hướng dẫn và đồng hành với họ trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chọn 10 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành lại chọn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu để đào tạo và hỗ trợ, rồi cứ thế nhân lên và lan tỏa.
Vừa điều hành doanh nghiệp, vừa tham gia rất nhiều hoạt động về khởi nghiệp, có khi nào, anh thấy mệt?
Nói không mệt thì không đúng vì phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc! Nhiều người còn nói, tôi toàn đi làm chuyện bao đồng, “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống có cho và nhận. Ngày xưa, mình khởi sự kinh doanh, gặp biết bao khó khăn, nhận biết bao sự giúp đỡ của mọi người mới có được ngày hôm nay thì hà cớ gì bây giờ mình lại không cho đi.
Ở một khía cạnh khác, nói là cho đi nhưng thực sự tôi nhận được rất nhiều khi tham gia hoạt động khởi nghiệp. Nó cho tôi niềm vui, năng lượng tích cực và cũng học hỏi được rất nhiều từ các bạn trẻ.
Tôi luôn đặt mình vào tâm thế: Khi đi làm diễn giả chính là lúc mình đi học kỹ năng, chứ không phải đi dạy đời. Nhờ giao lưu, chia sẻ với các bạn trẻ mà tôi biết được giới trẻ đang có nhu cầu gì, từ đó về phổ biến cho công ty sản xuất sản phẩm, đáp ứng đúng nhu cầu đó. Hay nhờ hiểu được các bạn trẻ mà tôi có thể định hướng cho phòng nhân sự, không bỏ lỡ cơ hội tuyển dụng các bạn trẻ, nhất là thế hệ Gen Z, thế hệ được xem là phải “vượt sướng”, đụng cái là sẵn sàng nghỉ ngay nhưng các bạn này lại nắm trong tay nhiều lợi thế về công nghệ, xu hướng mới…
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!