Hôm 20/2, SCMP đưa tin Hermès vừa công bố doanh thu và lợi nhuận năm ngoái với mức cao kỷ lục, vượt xa các đối thủ, góp phần thúc đẩy sự bùng nổ hàng xa xỉ trên thế giới. Theo số liệu từ công ty dữ liệu tài chính FactSet, so với năm 2021, hãng đạt lợi nhuận ròng 3,6 tỷ USD (tăng 38%) và doanh thu đạt 12,4 tỷ USD (tăng 29%).
Giám đốc điều hành Axel Dumas cho biết trong một hội nghị đầu tháng 2: "Hermès bước vào năm 2023 với sự tự tin, dựa trên sức mạnh của mô hình kinh doanh độc đáo và đặc biệt vững chắc".
Thông tin được đưa ra sau khi công ty mẹ của Hermès - tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới LVMH - công bố những con số kỷ lục: doanh thu 86 tỷ USD, lợi nhuận 15 tỷ USD. Là công ty có giá trị nhất châu Âu, LVMH đang có vốn hóa thị trường tăng vọt lên 430 tỷ USD.
Đối thủ của LVMH - tập đoàn Kering - nổi tiếng với hai "con cưng" Gucci và Yves Saint Laurent, cũng có kết quả tốt. Hôm 20/2, thương hiệu báo cáo lợi nhuận ròng đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.
Tuy nhiên, cả LVMH và Kering đều cho biết doanh số bán hàng của họ giảm ở Trung Quốc trong quý bốn do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19 vào tháng 12. Ngược lại, Hermès cho biết doanh số bán hàng của họ tăng 30,7% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, trong ba tháng cuối năm. Giám đốc Dumas cho biết người dân Trung Quốc có nhu cầu mạnh mẽ với các sản phẩm của Hermès trong thời gian đó.
Bên cạnh đó, doanh số bán hàng của nhà mốt Pháp tại khu vực châu Mỹ tăng 46%, vượt mức 2,1 tỷ USD. Dumas cho biết thật khó tìm ra mặt hàng nào bán chậm ở Hermès trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và dịch bệnh toàn cầu. Hãng cũng vừa công bố mức cổ tức 13,9 USD trên mỗi cổ phiếu cho các cổ đông và khoản tiền thưởng đặc biệt 4.200 USD cho tất cả nhân viên trên toàn thế giới.
Hermès là một trong những thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới, được Thierry Hermès thành lập năm 1837 tại Paris. Ban đầu, hãng chuyên sản xuất yên ngựa, dây cương và các đồ chuyên dụng khác liên quan đến ngựa. Cuối thế kỷ 19, Hermès mới bắt đầu sản xuất túi, vali da và đến nửa cuối thế kỷ 20, thương hiệu mới chinh phục giới thời trang. Nhắc tới Hermès là nhắc tới túi Birkin, Kelly, khăn lụa. Trong làng mốt, Birkin được xem là mẫu túi kinh điển, thuộc nhóm hàng bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.
Hôm 8/2, hãng giành chiến thắng trong vụ kiện với nghệ sĩ Mason Rothschild. Sự kiện là một trong những vụ kiện đầu tiên về việc bảo vệ bản quyền thương hiệu trong địa hạt công nghệ NFT. Mason Rothschild đã tạo ra những chiếc túi ảo có hình dáng giống túi Birkin nổi tiếng của Hermès và gọi chúng là NFT MetaBirkin. Tòa án Manhattan phán quyết Mason phải bồi thường 133.000 USD cho Hermès vì vi phạm bản quyền thương hiệu.