Công ty chứng khoán lãi đậm trong quý 2/2023 nhờ hoạt động tự doanh

Thị trường hồi phục mạnh trong quý 2/2023 với thanh khoản có những phiên vượt mốc 1 tỷ USD, Vn-Index trở thành "mỏ vàng" cho tự doanh các công ty chứng khoán khai thác. Đã có nhiều công ty chứng khoán báo lãi đậm trong quý 2 nhờ hoạt động tự doanh như Chứng khoán BIDV, SSI...
Công ty chứng khoán lãi đậm trong quý 2/2023 nhờ hoạt động tự doanh

Công ty Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu hoạt động đạt 501 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 131 tỷ đồng. Trong đó, các mảng hoạt động mang về nguồn thu lớn nhất vẫn là cho vay, môi giới và tự doanh.

Trong kỳ, hoạt động tự doanh đã đem lại lợi nhuận cho Vietcap. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 101 tỷ đồng trong khi lỗ từ FVTPL chỉ ở mức gần 36 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 61 tỷ đồng.

Thời điểm cuối quý 2, các khoản FVTPL của Vietcap có giá gốc gần 555 tỷ đồng, tương đương với giá trị thị trường. Các khoản AFS đã tăng có giá gốc lên đến hơn 3.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, giá trị thị trường các khoản AFS của Vietcap lên đến gần 5.900 tỷ đồng, tương ứng chênh lệch tăng gần 2.500 tỷ.

Các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục tự doanh của Vietcap tại thời điểm cuối quý 2 là KDH, IDP, MSN. Trong đó, đáng chú ý là khoản đầu tư vào Sữa Quốc tế (IDP) đang tạm lãi đến hơn 2.200 tỷ đồng nhưng chưa ghi nhận vào kết quả kinh doanh. Ngoài ra, công ty chứng khoán này còn phân bổ vào nhiều mã như HPG, CTG, VNM, MWG, BCM,.. với giá gốc vài chục tỷ trên mỗi cổ phiếu.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 211 tỷ đồng.

công ty chứng khoán

Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI) cũng ghi nhận hoạt động khởi sắc ở mảng tự doanh. Trong quý 2/2023, SSI ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 1.574 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 25% còn 360 tỷ đồng. Doanh thu môi giới giảm 25% còn gần 336 tỷ đồng. Các nguồn thu khác như doanh thu bảo lãnh phát hành, doanh thu hoạt tư vấn cũng ghi nhận kết quả thấp hơn cùng kỳ.

Điểm sáng duy nhất của SSI chính là nghiệp vụ tự doanh. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) quý 2/2023 đạt 692 tỷ đồng tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Lỗ tài sản tài chính FVTPL sụt giảm mạnh gần 90% về còn 32,3 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, mảng tự doanh của SSI lãi hơn 644 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Chứng khoán SSI báo lãi sau thuế quý 2 hơn 525 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu hoạt động hơn 3 ngàn tỷ đồng, giảm 15% và lãi trước thuế hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, giảm 9%.

Ở danh mục cổ phiếu, SGN tiếp tục là khoản đầu tư lớn nhất của SSI với giá mua vào gần 406 tỷ đồng. Tiếp theo là VPB với giá trị mua 10 tỷ đồng, FPT 22,3 tỷ đồng; MBB 3,8 tỷ đồng. Hầu hết các cổ phiếu trên đều đang có lãi. Ngoài ra, SSI cũng sở hữu nhiều cổ phiếu cho hoạt động phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền gồm FPT, MBB, TCB, VPB. Chứng khoán SSI còn ghi nhận đầu tư 9.000 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, 559 tỷ đồng trái phiếu niêm yết và 15.538 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi.

Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT ( mã chứng khoán: FTS) cũng ghi nhận khoản lãi ngoạn mục trong quý 2 nhờ nghiệp vụ tự doanh đạt gần 51 tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các nghiệp vụ còn lại đều ghi nhận doanh thu giảm như môi giới giảm 28% còn 78 tỷ đồng, cho vay giảm 20,7% còn 111 tỷ đồng.

Sau khi trừ chi phí hoạt động, FTS báo lãi trước thuế 168 tỷ đồng đạt 168 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm, FTS vẫn báo lãi giảm mạnh so với năm ngoái đạt 266 tỷ đồng chủ yếu do quý 1 tình hình kinh doanh vẫn kém tích cực do thị trường xấu.

Danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của FTS hiện có 13,4 tỷ đồng mua cổ phiếu MSN, 2 tỷ đồng cổ phiếu CIC8 chưa niêm yết, ngoài ra FTS còn mua 70 tỷ đồng trái phiếu của ngân hàng Vietinbank; 846 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi.

Tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, mã chứng khoán: BSI), lãi từ các tài sản tài chính FVTPL trong kỳ ghi nhận 121 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cho vay margin cũng tăng mạnh lên 107 tỷ đồng trong khi nghiệp vụ môi giới chứng khoán giảm còn 67 tỷ đồng.

Tổng cộng doanh thu 316 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí hoạt động, BSC báo lãi trước thuế 154 tỷ đồng tăng gấp 500 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BSI lãi sau trước thuế gần 276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ.

Danh mục tự doanh, BSC đã nâng tỷ trọng đối với hầu hết các cổ phiếu trong danh mục gồm FPT, HT1, STB, IDC, MWG và các cổ phiếu này đều đang có lời. Trong danh mục cổ phiếu chưa niêm yết, Công ty đang nắm giữ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ và Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (mã chứng khoán: VTP). Ngoài ra, BSI cũng nắm gần 242 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

công ty chứng khoán

Sở hữu danh mục cổ phiếu đa dạng lên tới hơn chục mã, trong quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán Beta cũng ghi nhận lãi ở nghiệp vụ tự doanh tăng mạnh. Cụ thể, trong kỳ, công ty chứng khoán này đã bán sạch hàng loạt cổ phiếu gồm ACB, DPM, FPT, HT1, MBB, SSI, TCB, VCI. Nhờ đó trong kỳ báo lãi từ nghiệp vụ chứng khoán 9,1 tỷ đồng so với 75 triệu đồng quý 2 năm ngoái. Danh mục hiện tại chỉ còn gồm STB, GMD, HPG, KDH, PAN, CTG.

Doanh thu nghiệp vụ môi giới và cho vay chứng khoán cũng tăng mạnh, dẫn tới tổng cộng doanh thu tăng gấp hơn 2 lần đạt 13,2 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí, thuế, Beta báo lãi 7,1 tỷ đồng trong khi năm ngoái lỗ nặng 23 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Chứng khoán Beta báo lãi 10,1 tỷ đồng trong khi năm ngoái báo lỗ 23,1 tỷ đồng.

Tương tự, tổng doanh thu hoạt động quý 2/2023 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã chứng khoán: VDS) đạt 188 tỷ đồng, tăng 28,8% (tương đương 145,88 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của VDSC đạt 105,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận lỗ 233,8 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu hoạt động của công ty đạt 327 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí hoạt động giảm mạnh giúp VDSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế 206 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 161 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 129 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm 30/6/2023, danh mục FVTPL của VDSC giá trị 1.227 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu nắm giữ bao gồm các mã DBC của Dabaco (giá gốc 213 tỷ, đang lỗ gần 41 tỷ đồng); mã ACB (giá gốc 81 tỷ đồng); mã CTG của ViettinBank (giá gốc 69 tỷ, đang lỗ hơn 6 tỷ đồng); mã KDC của Kido (giá gốc 51 tỷ đồng); TCB của Techcombank (giá gốc 47 tỷ, đang lỗ 15 tỷ đồng); QNS của Đường Quảng Ngãi (giá gốc 75 tỷ, đang lãi 16 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, công ty hiện nắm giữ 577 tỷ đồng trái phiếu, phần lớn là trái phiếu chưa niêm yết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...