Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai vừa thông báo lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng tuyến đường kết nối vào cảng Phước An (từ nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng Phước An) theo phương thức PPP, hợp đồng BOT.
Thời gian thực hiện dự án là 18 năm 4,4 tháng. Thời gian thi công là 24 tháng. Thời gian thu phí dịch vụ dự kiến là 16 năm 4,4 tháng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối vào cảng Phước An; kết nối đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường 319.
Thời gian bắt đầu phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 9/9 đến 10/11/2020 tại Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai.
Giá bán mỗi bộ HSMT là 20 triệu đồng. Khi tham dự thầu, mỗi nhà đầu tư phải có số tiền bảo đảm dự thầu theo hình thức đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 11 tỷ đồng.
Sở Giao thông vận tải cho biết dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.042 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.
Ngoài tuyến đường kết nối vào cảng Phước An đang tìm chủ đầu tư trên thì còn có dự án đường nối vào cảng Phước An đoạn từ đường 319 đến nút giao cắt với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 1 của dự án này được khởi công vào cuối năm 2018.
Đến nay, sau gần 2 năm thi công, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng từ giữa tháng 6 vừa qua. Tuyến đường nối vào cảng Phước An có điểm đầu kết nối với đường 319 và chạy xuyên qua các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Theo kế hoạch, đường 319 nối trung tâm huyện Nhơn Trạch với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Do đó, khi tuyến đường 319 hoàn thành và kết nối với đường nối vào cảng Phước An sẽ giúp cho việc lưu thông hàng hóa tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch trở nên thuận lợi hơn. Đặc biệt, thời gian lưu thông từ các khu công nghiệp trên địa bàn huyện đến TP. HCM sẽ được rút ngắn.
Ngoài ra, khi tuyến đường 319 hoàn thành khâu xây dựng và kết nối với đường nối vào cảng Phước An sẽ giúp giảm tình trạng quá tải trên tuyến Quốc lộ 51. Bởi hiện nay, phần lớn các phương tiện lưu thông đến các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch chủ yếu thông qua Quốc lộ 51.
Dự án xây dựng cảng Phước An do Công ty Cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (PAP) làm chủ đầu tư. Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Nai đang có kiến nghị đến Chính phủ cho phép chuyển đổi khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An thành khu công nghiệp - dịch vụ hậu cần cảng Phước An.
Dự án đầu tư gồm cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần cảng, trong đó khu cảng là khu bến chính của cảng Đồng Nai, chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60 ngàn DWT, gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3 ngàn mét với diện tích đất sử dụng 183 ha.
Diện tích khu dịch vụ hậu cần cảng gần 550 ha, gồm dịch vụ kho bãi hàng hóa, bến xà lan… phục vụ hoạt động giao nhận vận tải và logistics cho khu vực cảng Phước An đến các khu công nghiệp trong khu vực. Được biết, quy mô khai thác hàng container khoảng 2,2 triệu TEUs/năm và hàng tổng hợp 4 triệu tấn/ năm.