Theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này đã có kế hoạch cụ thể về giải phóng mặt bằng, tái định cư và tạo việc làm cho người dân ở khu vực dự kiến triển khai dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Với quy mô 5.000 ha thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt quy hoạch tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/07/2005 về vị trí, quy mô và phân khu chức năng; Quyết định 909/TTg ngày 14/06/2011 về phê duyệt quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ông Võ Văn Chánh cho biết, tỉnh đã tiến hành khảo sát và lấy ý kiến của 4.730 hộ dân và 26 tổ chức, với gần 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi dự án. Các hộ dân và tổ chức đồng ý 100% triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trên cơ sở số liệu điều tra khảo sát, Đồng Nai đã xây dựng cơ chế đặc thù và khung chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Khi được Quốc hội chấp thuận, Đồng Nai phải tiến hành xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án thành phần về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Đồng Nai dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong vòng 3 năm và dự kiến bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho nhà đầu tư trong năm 2019.
Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng đã có định hướng cụ thể, tỉnh Đồng Nai cũng phê duyệt quy hoạch xây dựng hai khu tái định cư là Lộc An-Bình Sơn và Bình Sơn để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động xây dựng 3 khu công nghiệp gồm Lộc An-Bình Sơn (500ha), Long Đức (giai đoạn 2: 300ha), Khu công nghệ cao Amata (350ha), dự kiến giải quyết 57.500 lao động, với cự ly khoảng 10km cách khu tái định cư sẽ rất thuận lợi trong đào tạo, bố trí làm việc cho các hộ dân sau khi bị thu hồi đất.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai cũng tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh cho những trường hợp không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp.
Khi cảng hàng không Long Thành đi vào hoạt động được kỳ vọng là sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm nói chung, nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ, thúc đẩy du lịch và các ngành liên quan tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân. Theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư xây dựng dự án này sẽ tạo việc làm cho hơn 200.000 trong dự án.
Về tiến độ thu hồi đất của toàn bộ dự án, ông Võ Văn Chánh khẳng định: “Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho toàn bộ dự án sẽ tạo sự đồng nhất về chính sách, đơn giá bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân”.
Bên cạnh đó, người dân trong vùng dự án có nguyện vọng sớm được triển khai dự án do quy hoạch từ lâu (từ năm 2005 đến nay), để nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất tại nơi ở mới. Nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng một lần là cần thiết nhưng trong quá trình thực hiện sẽ theo từng giai đoạn của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
>> Khó tìm 18.000 tỉ đồng cho GPMB sân bay Long Thành