Dòng tiền đầu tư bất động sản đang rục rịch "Nam tiến". Theo báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn, lượng người Hà Nội tìm kiếm bất động sản tại TP.HCM đã tăng 7% so với tháng 1/2024. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến tiềm năng phát triển của thị trường phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
ĐIỂM SÁNG GỌI TÊN CHUNG CƯ
Chia sẻ tại hội nghị vừa diễn ra, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho biết dòng tiền đầu tư bất động sản đang có dấu hiệu tìm kiếm cơ hội “chảy” vào Nam sau thời gian tập trung chủ yếu tại Hà Nội.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, lượng người Hà Nội tìm kiếm bất động sản tại TP.HCM vào tháng 11/2024 đã tăng 7% so với tháng 1/2024. Ngược lại, lượng người TP.HCM tìm kiếm bất động sản Hà Nội giảm 12% trong cùng giai đoạn. Khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy 66% người Hà Nội được hỏi quan tâm đến bất động sản phía Nam.
Đánh giá chung, ông Tuấn cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam 2024 đang phân hóa rõ rệt giữa các phân khúc và có thể chia thành ba bức tranh miền Bắc – miền Nam, cao tầng – thấp tầng và trung tâm – vùng ven.
Đầu tiên, về sự phân hoá miền Bắc – miền Nam với hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, giá rao bán bất động sản bình quân tại Hà Nội đã tăng đáng kể ở hầu hết các phân khúc.
Cụ thể, trong tháng 11/2024, giá bán chung cư tại Hà Nội đạt 61 triệu đồng/m2, vượt Tp.HCM (55 triệu đồng/m2), theo công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn. Với nhà riêng, giá bán tại Hà Nội đã ghi nhận tăng trưởng mạnh, đạt mức 197 triệu đồng/m2, tăng 58% so với tháng 1/2023. Trong khi đó, giá rao bán trung bình nhà riêng tại TP.HCM là 108 triệu đồng/m2, giảm 10% so với tháng 1/2023.
Giá rao bán trung bình đất nền Hà Nội vào tháng 11/2024 là 70 triệu/m2 và tại TP.HCM là 57 triệu đồng/m2. Dù nguồn cung mới hầu hết có mặt bằng giá cao, mức độ hấp thụ tại Hà Nội vẫn khá khả quan.
Song, tiềm năng của thị trường miền Nam được đánh giá cao nhưng ông Đinh Minh Tuấn nhận định vấn đề pháp lý vẫn là trở ngại lớn và nhà đầu tư, người mua cần xem xét kỹ lưỡng.
Tiếp theo, ở bức tranh phân hoá cao tầng – thấp tầng, chung cư là loại hình đi trước trong các chu kỳ hồi phục của thị trường, tăng trưởng tốt về lượng quan tâm và giá (đạt mức 45%, cao hơn các loại hình khác gồm nhà riêng với 36%, đất nền và biệt thự với 26%, nhà mặt phố với 10%) vào quý 4/2024 so với quý 1/2022.
Động lực tăng trưởng lớn nhất của chung cư đến từ nhu cầu ở thực và sự thu hút với người trẻ. 73% người được hỏi cho rằng đây là loại hình được người trẻ (dưới 35 tuổi) quan tâm nhất trong năm 2024, theo khảo sát của Batdongsan.com.vn.
Trong khi đó, sản phẩm bất động sản thấp tầng có giá trị lớn và chưa được đánh giá cao về hỗ trợ tài chính. Ngoài ra, dòng tiền cho thuê bất động sản thấp tầng dần bị ảnh hưởng bởi xu hướng tăng chi tiêu cho thương mại điện tử của người tiêu dùng.
Cuối cùng, ở bức tranh phân hoá trung tâm – vùng ven, các thành phố, khu vực trung tâm vẫn có tăng trưởng mức độ quan tâm và giá bán tốt hơn trong giai đoạn này, nhờ đáp ứng nhu cầu kết nối, việc làm của người tiêu dùng.
Các tuyến metro mới cũng đã góp phần thay đổi hạ tầng đô thị trung tâm, tạo đà tăng trưởng tốt. Ông Đinh Minh Tuấn nhận định chung cư sẽ là loại hình hưởng lợi nhất và có thể là phân khúc tăng giá nhanh hơn.
THỊ TRƯỜNG ĐANG CHUYỂN MÌNH
Chia sẻ quan điểm về chuyển động của thị trường thời gian gần đây, TS.Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản đã có nhiều điểm thay đổi tích cực hơn so với trước đây. Có thể thấy, Việt Nam đã và đang phục hồi thị trường bất động sản theo hướng bền vững hơn.
Phân tích 6 nhân tố tác động đến thị trường bất động sản, ông Lực cho biết, kinh tế vĩ mô đã bước vào thời kỳ ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá dịu dần; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ... trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Về yếu tố thế chế và pháp lý, vị chuyên gia nhấn mạnh, vướng mắc về pháp lý đang dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện, nhiều luật liên quan được thông qua và có hiệu lực; nhiều nghị định, chính sách... được ban hành, làm cơ sở bước vào giai đoạn mới. Quy hoạch các cấp được hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; Nghĩa vụ tài chính đã qua giai đoạn khó khăn nhất và tiếp cận vốn được duy trì.
Còn mặt pháp lý, quá trình triển khai quyết liệt từ phía Quốc hội và các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt. Nhưng vẫn còn các địa phương và một số Bộ, ngành vẫn chưa ban hành các Nghị định, thông tư hướng dẫn.
Hiện nay, việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường là điểm mới quan trọng nhất, tạo điều kiện để định giá đất sát với giá thị trường, tháo gỡ bất cập giá đất nhất là hiện tượng hai giá, làm cơ sở cho đền bù, giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, xác định giá bất động sản, tính toán chi phí - hiệu quả đầu tư dự án, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan…
Tuy nhiên, ông Lực cũng nhấn mạnh rằng, việc áp dụng bảng giá đất sát với thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, tăng giá đất, giá bán, giá cho thuê bất động sản so với bảng giá đất cũ. Dự kiến, sau khi bảng giá đất chính thức được thực thi vào năm 2026, bảng giá đất tại một số địa phương có thể tăng 2-7 lần so với bảng giá đất hiện tại.
Về cơ bản, các dòng vốn vào bất động sản tương đối ổn so với thời gian trước. Theo Ngân hàng nhà nước, năm 2023, vốn tín dụng bất động sản tăng gần 12% so với cuối năm 2022; trong đó, tín dụng chủ yếu tăng cho phân khúc đầu tư, kinh doanh bất động sản (tăng 35,4%), cho vay mua nhà tăng 1,1%.
“Như vậy, nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân ít có nhu cầu vay mua nhà đất”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia, bối cảnh trong và ngoài nước còn nhiều rủi ro thách thức cho việc phục hồi thị trường bất động sản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp bất động sản phải quyết tâm cơ cấu lại, đồng thời tập trung hơn vào các lĩnh vực có thế mạnh, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lãi suất, nợ đáo hạn... để vượt qua khó khăn tài chính.
Bên cạnh đó, nhà nước và doanh nghiệp cần quan tâm hơn vào việc phát triển cơ sở nhà ở xã hội. Theo ông Lực, hiện nay các cơ chế chính sách đang tập trung ưu tiên phát triển nhà ở xã hội. Các bên cần chung tay đẩy thông nhà ở xã hội, trong đó doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình; đa dạng hóa nguồn vốn, sản phẩm để đưa giá bất động sản về mức hợp lý hơn.