Theo BSC, sau khi dòng vốn quốc tế giá rẻ lấp đầy các thị trường phát triển thì xu hướng vận động tìm kiếm cơ hội ở các khu vực rủi ro hơn như khu vực thị trường mới nổi và thị trường biên có thể diễn ra như đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.
Theo đánh giá của BSC, Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô, dần lấy được đà tăng trưởng sau khi kiểm soát được dịch bệnh và đang tạo ưu thế so với các nước khác. Đây là một trong những lợi thế giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút lại dòng vốn nước ngoài khi hình thành xu hướng chuyển dịch.
Trong khi chờ sự thay đổi của dòng vốn ngoại, BSC cho rằng dòng vốn nội với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư mới vẫn là lực đỡ quan trọng của thị trường trong 6 tháng đầu năm. Tăng trưởng tín dụng thấp, lượng tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào đang khiến cho lãi suất tiền gửi và cho vay giảm. Mặt bằng lãi suất bình quân giảm từ 2,5% - 3%, cá biệt một số ngân hàng như BIDV và Agribank hạ lãi suất 3 lần trong năm với tổng mức giảm từ 2,5 - 3%.
Lãi suất giảm và mặt bằng giá chứng khoán thấp vào cuối tháng 3 đã thu hút và hình thành lực lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư mới tham gia khá tích cực thể hiện qua việc số tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt, thanh khoản bùng nổ và tỉ trọng giao dịch nhà đầu tư cá nhân trong tháng 6 đạt đỉnh trong nhiều năm. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), trong quý II/2020 có hơn 105.700 tài khoản được mở mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Ngoài ra nhà đầu tư mới này chưa sử dụng đến tỉ lệ margin nên hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực trong những phiên điều chỉnh. Với sự vận động của dòng tiền trong quý II, BSC vẫn cho rằng dòng tiền của nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ quyết định xu hướng thị trường trong 6 tháng cuối năm của thị trường chứng khoán Việt Nam.