Dow Jones vươn lên mốc kỷ lục mới nhờ báo cáo lạm phát ôn hoà

Chỉ số Dow Jones đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục khi báo cáo lạm phát mới của Mỹ làm dấy lên hy vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn trong năm nay…

Kết thúc phiên 27/9, chỉ số Dow Jones tăng 137,89 điểm (+0,33%) lên 42.313,00 điểm, S&P 500 giảm 7,20 điểm (-0,13%) xuống 5.738,17 điểm và Nasdaq Composite mất 70,70 điểm (-0,39%) còn 18.119,59 điểm.

Trong khi Dow Jones chạm tới mốc cao mới, thì cả Nasdaq và S&P 500 đều giảm nhẹ trong phiên nhưng vẫn giữ gần mức kỷ lục.

Chỉ số Russell 2000, theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp, đã tăng 0,67% lên mức cao nhất trong một tuần.

Cổ phiếu Nvidia giảm 2,17%, gây áp lực lên Nasdaq. Costco Wholesale trượt 1,76% do doanh thu quý 4 không đạt kỳ vọng.

Trong số các diễn biến khác, Bristol-Myers Squibb leo 1,58% khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt thuốc điều trị bệnh tâm thần phân liệt của công ty.

Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba, PDD Holdings và NetEase lần lượt tăng 2,15%, 4,67% và 2,65% sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Tâm lý lạc quan cũng lan rộng tới lĩnh vực khai khoáng, với cổ phiếu Arcadium thêm 2,13% và BHP niêm yết tại Mỹ cũng leo 1,81%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,50 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,87 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày vừa qua.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ báo cáo mức tăng vừa phải trong chi tiêu tiêu dùng, trong khi áp lực lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan trong tháng 9 đã đạt 70,1, vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế là 69,3, theo khảo sát của Reuters.

Thị trường đang nghiêng về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,50 điểm phần trăm trong cuộc họp tiếp theo với xác suất 52,1%, cao hơn với mức 50/50 trước khi có dữ liệu lạm phát mới, theo Công cụ FedWatch của CME Group.

Sự chú ý hiện chuyển sang một loạt báo cáo về thị trường lao động, dự kiến công bố vào tuần tới.

“Khá nhiều người tin rằng nền kinh tế Mỹ đang có một cuộc hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất mà không gây ra tổn hại lớn”, bà Liz Young Thomas, người đứng đầu chiến lược đầu tư tại SoFi nhận định.

GIÁ DẦU CHỐT PHIÊN TĂNG NHẸ

Giá dầu phục hồi vào thứ Sáu nhưng vẫn ghi nhận mức giảm trong tuần khi các nhà đầu tư cân nhắc giữa kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu và các biện pháp kích thích mới từ Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent chốt phiên tăng 38 cent, tương đương 0,53%, ở mức 71,89 USD/thùng. Dầu WTI của Mỹ tăng 51 cent, tương đương 0,75%, lên 68,18 USD/thùng.

Trong tuần, dầu Brent giảm khoảng 3%, trong khi WTI mất khoảng 5%.

Với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất và bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. Đây được xem như một tín hiệu tích cực cho giá dầu khi Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù quốc gia tỷ dân đã áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, nhưng lo ngại về nguồn cung tăng vượt mức từ kế hoạch sản lượng của OPEC đã kìm hãm phần nào đà tăng của giá dầu, các nhà phân tích tại Aegis Hedging cho biết trong một ghi chú.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+, sẽ tiếp tục tăng sản lượng thêm 180.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 12 năm nay, theo hai nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ. Một báo cáo của Financial Time lưu ý, kế hoạch tăng sản lượng là do quyết định của Ả Rập Xê Út, từ bỏ mục tiêu giá dầu 100 USD và gia tăng thị phần.

Có thể bạn quan tâm