Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng, Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Phố Wall đóng cửa tăng nhẹ vào 23/9 khi các nhà đầu tư, với tâm lý lạc quan, đánh giá xu hướng trong tuần sau quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)….

Chứng khoán Mỹ tiếp đà tăng, Dow Jones và S&P 500 thiết lập kỷ lục mới

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones tăng 61,29 điểm (+0,15%) lên 42.124,65 điểm; S&P 500 nhích 16,02 điểm, (+0,28%) thành 5.718,57 điểm và Nasdaq Composite thêm 25,95 điểm (+0,14%) đạt 17.974,27 điểm.

8 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là năng lượng với mức tăng 1,31%. Ngược lại, lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ hoạt động kém nhất, giảm 0,25%.

Trong số các cổ phiếu có thành tích nổi bật, Intel tăng 3,05% sau một báo cáo truyền thông cho thấy Apollo đã đề nghị đầu tư tới 5 tỷ USD vào công ty sản xuất chip này.

Tesla leo 4,65%, còn Meta Platforms nhích nhẹ 0,6% sau khi Citigroup thông báo nâng mục tiêu giá cổ phiếu.

General Motors giảm 1,72% do tin tức Bernstein hạ xếp hạng cổ phiếu của hãng từ “hiệu suất vượt trội" xuống “hiệu suất thị trường”.

Chỉ số Russell 2000, theo dõi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, giảm 0,25%.

Động thái cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm của Fed vào tuần trước đã thúc đẩy cả ba chỉ số chính tăng mạnh, phá vỡ định kiến rằng tháng 9 thường là tháng yếu kém đối với chứng khoán.

Các bình luận được đưa ra hôm 23/9 từ 3 thành viên chủ chốt của Fed là tâm điểm chú ý khi giới đầu tư tìm kiếm thêm manh mối về lý do tại sao Fed lại bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách với một mức cắt giảm mạnh như vậy.

Chủ tịch Fed khu vực, bao gồm ông Raphael Bostic, Neel Kashkari và Austan Goolsbee đều đồng thuận trong quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và ủng hộ việc nới lỏng thêm từ nay cho đến cuối năm.

Về mặt dữ liệu kinh tế, hoạt động kinh doanh của Mỹ vẫn ổn định trong tháng 9, nhưng giá trung bình của hàng hóa và dịch vụ lại tăng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng, có khả năng báo hiệu lạm phát sẽ cao trở lại trong những tháng tới.

Thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu về chỉ số tiêu dùng cá nhân tháng 8, sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này. Đây là thước đo lạm phát ưu thích của Fed và sẽ là chất xúc tác quan trọng nhất trong tuần.

GIÁ DẦU ĐẢO CHIỀU

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đóng cửa thấp hơn vào thứ Hai trước hàng loạt lo ngại về nhu cầu do tình hình hoạt động kinh tế yếu kém ở khu vực đồng Euro và Trung Quốc.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 59 cent, tương đương 0,8%, xuống còn 73,90 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ giảm 63 cent, tương đương 0,9%, xuống còn 70,37 USD/thùng.

Hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro bất ngờ thu hẹp trong tháng này khi ngành dịch vụ vốn chiếm ưu thế lại chững lại trong khi sự suy giảm của ngành sản xuất lại trầm trọng hơn.

Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với áp lực giảm phát và gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng mặc dù đã có một loạt các biện pháp chính sách nhằm kích thích chi tiêu trong nước.

"Những con số kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc cùng với sự chậm lại bất ngờ trong sản xuất của châu Âu đang khiến nhu cầu dầu thô rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay”, ông Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao về giao dịch tại BOK Financial nhận xét.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm