Dự án trọng điểm đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ đi qua 5 địa phương nào?

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có quy mô rất lớn, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là đầu mối tổng hợp việc triển khai xây dựng…

Dự án trọng điểm đường Vành đai 4 TP.HCM dự kiến khởi công năm 2025

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương liên quan về tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM được diễn ra sáng 1/10.

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, TP.HCM phải phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM theo hình thức PPP, trình hồ sơ cho Hội đồng Thẩm định nhà nước trong tháng 11/2024.

Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau 3 năm, giúp tạo mạng lưới giao thông liền mạch nối các cao tốc, quốc lộ, sân bay ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng chiều dài dự kiến của toàn tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM vào khoảng hơn 206 km, trong đó Bà Rịa-Vũng Tàu 18,23 km, Bình Dương 47,95 km, TP.HCM 16,7 km, Long An 78,3 km. Giai đoạn 1 sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy hoạch được duyệt (74,5m); 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh; 21 nút giao thông liên thông; xây dựng đường song hành, đường dân sinh hai bên tuyến theo nhu cầu giao thông từng đoạn, từng địa phương.

Thông tin tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4 TP.HCM. Đồng thời, Bộ đã làm việc với các địa phương có đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua, và kiến nghị ghép các dự án thành phần qua 5 địa phương thành 1 dự án tổng thể. Thủ tướng Chính phủ sẽ giao một cơ quan nghiên cứu báo cáo tiền khả thi tổng thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời đề xuất các chính sách đặc thù đưa vào nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, như: Sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, hoặc thực hiện nhiệm vụ chi từ ngân sách Trung ương; tỉ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án; điều chỉnh cục bộ quy hoạch; chỉ định thầu đối với một số gói thầu về tư vấn kỹ thuật, di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, tái định cư;…

Về các hạng mục liên quan đến dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết Bộ đã thống nhất với các địa phương về quy mô, phân kỳ đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Thủ tướng phát biểu kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương thống nhất, có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân TP.HCM làm cơ quan có thẩm quyền lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể; đề xuất các cơ chế, chính sách, đặc thù vào dự thảo nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục chuẩn bị các bước đầu tư càng sớm càng tốt, trong đó có phương án cân đối ngân sách địa phương dành cho dự án.

Có thể bạn quan tâm