Dữ liệu lạm phát, căng thẳng địa chính trị khiến chứng khoán Mỹ trượt dốc

Chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo trong phiên 12/4 sau khi kết quả kinh doanh của các ngân hàng lớn của Mỹ không gây được ấn tượng, kết thúc một tuần được đánh dấu bằng dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến và căng thẳng địa chính trị gia tăng…

Dữ liệu lạm phát, căng thẳng địa chính trị khiến chứng khoán Mỹ trượt dốc

Kết thúc phiên 12/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 475,84 điểm (-1,24%) xuống 37.983,24 điểm. S&P 500 mất 75,65 điểm (-1,46%) ở mức 5.123,41 điểm và Nasdaq Composite trượt 267,10 điểm (-1,62%) còn 16.175,09 điểm.

Tất cả 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều đóng cửa trong sắc đỏ, với nguyên vật liệu chịu mức giảm phần trăm lớn nhất.

Advanced Micro Devices và Intel lần lượt giảm 4,2% và 5,2% sau một báo cáo cho thấy các quan chức Trung Quốc hồi đầu năm nay đã yêu cầu công ty viễn thông lớn nhất nước này loại bỏ dần chip nước ngoài trong hệ thống vào năm 2027.

US Steel mất 2,1% sau khi các cổ đông bỏ phiếu thông qua đề xuất sáp nhập với Tập đoàn thép Nippon.

JPMorgan Chase & Co - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản - đã công bố lợi nhuận tăng 6% nhưng dự báo thu nhập lãi ròng không như mong đợi. Cổ phiếu của ngân hàng trượt 6,5%.

Cổ phiếu của Wells Fargo & Co cũng giảm nhẹ sau khi lợi nhuận giảm 7% do thu nhập lãi ròng đi xuống vì nhu cầu vay yếu.

Citigroup báo lỗ sau khi chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho nhân viên và bảo hiểm tiền gửi. Cổ phiếu của Citi giảm 1,7%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,67 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,41 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Cả ba chỉ số chứng khoán chính đều ghi nhận mức giảm trong tuần. Trong đó, S&P 500 chứng kiến mức giảm phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 1, trong khi mức giảm hàng tuần của Dow Jones là lớn nhất kể từ tháng 3/2023.

Mike Dickson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Horizon Investments cho biết: “Khi chúng ta xem xét những gì đã xảy ra trong không gian vĩ mô, lạm phát đã trở nên tồi tệ hơn và điều đó gây thêm áp lực lên các công ty trong việc công bố kết quả kinh doanh”.

Kết quả từ bộ ba ngân hàng lớn đánh dấu sự khởi đầu không chính thức của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên năm 2024.

Dữ liệu kinh tế trong tuần này, đặc biệt là báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng CPI nóng hơn dự kiến đã cho thấy lạm phát có thể nghiêm trọng hơn suy nghĩ trước đây, khiến các nhà đầu tư đặt lại kỳ vọng về thời gian và mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong năm nay.

“Có một rủi ro rất thực tế là Fed có thể sẽ không thực hiện bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào trong năm nay. Mặc dù tôi không mong đợi một đợt tăng lãi suất nào nữa nhưng Fed có thể muốn giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Không có điểm dữ liệu nào ủng hộ việc cắt giảm lãi suất cả”, ông Mike Dickson lưu ý.

Chủ tịch Fed Boston Susan Collins cho biết bà kỳ vọng sẽ có một vài đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, mặc dù có thể phải mất một thời gian để lạm phát trở lại mức mục tiêu.

Trong khi đó chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee lại nói rằng ông vẫn tập trung vào báo cáo Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), sẽ công bố vào ngày 26/4, để có bức tranh rõ ràng hơn về tiến trình lạm phát hướng tới mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, tạo thêm động lực cho đợt bán tháo của phiên. “Rủi ro địa chính trị rất khó xác định nhưng chúng có thể khiến giá năng lượng tăng cao, điều này sẽ không có lợi cho tình hình CPI”, ông Mike Dickson giải thích.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi khoảng 1% vào thứ Sáu do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông nhưng lại ghi nhận mức giảm hàng tuần do dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới đi xuống.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 71 cent ở mức 90,45 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng 64 cent lên 85,66 USD.

Tính cả tuần, dầu Brent giảm 0,8%, trong khi dầu WTI giảm hơn 1%.

Có thời điểm trong tuần giá dầu gần đạt mức cao nhất trong 6 tháng do lo ngại rằng Iran, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC, có thể phản ứng lại với một số thách thức địa chính trị.

“Trọng tâm chính của thị trường là Iran và Israel, với lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến các sự kiện ở Trung Đông sẽ tiếp tục đẩy giá dầu lên cao”, ông Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates nhận xét.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm