“Thủ tục cấp phép xây dựng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới lại lên tới gần 170 ngày vì họ tính cả các thủ tục như đánh giá tác động môi trường, đấu nối hạ tầng, thẩm định phòng cháy chữa cháy…”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Liên quan tới xây dựng thể chế, một trong 6 vấn đề mà Thủ tướng nhắc nhở, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định Bộ coi hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. “Sắp tới, Bộ sẽ đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng với tinh thần mạnh dạn sửa đổi, Bộ Xây dựng sẽ không cấp bất kỳ một giấy phép nào nữa, mà phân cấp hết”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng với đó, Bộ sẽ sớm trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 59 về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Tinh thần của việc sửa đổi là sẽ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, các bộ chuyên ngành. “Lâu nay báo chí vẫn nói nhà 20 tầng mà Bộ Xây dựng vẫn thẩm định, thì lần này từ 25 tầng trở xuống sẽ phân cấp. Trước đây các công trình dưới 5 tỷ thì do chủ đầu tư tự thẩm định, lần này sẽ cho tự thẩm định các công trình lên tới 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng sẽ phải thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết.
Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng cho phù hợp với thực tiễn và các luật liên quan.
Cũng liên quan tới thể chế, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện nhanh nhất, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 59 về quản lý đầu tư xây dựng. Hiện nay, các bộ ngành, địa phương đều nói việc giải ngân đầu tư công rất chậm trễ do nguyên nhân quan trọng từ thủ tục xây dựng tại Nghị định 59.
“Việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cao tầng… trước đây thuộc Sở Xây dựng, nhưng chúng ta lại tạo ra thủ tục và những quy định khiến người dân, doanh nghiệp phải xếp hàng làm thủ tục tại Bộ Xây dựng. Điều chỉnh tí xíu cũng phải lên Bộ Xây dựng. Gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, gây lãng phí”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rõ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thủ tục cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan hiện đang xếp thứ 24 toàn cầu, với 10 bước, mất 166 ngày.
Nghị quyết 19 năm 2017 đặt mục tiêu tới hết năm 2017, kéo giảm thời gian thực hiện thủ tục này còn dưới 120 ngày và tới 2020 còn dưới 90 ngày. Nhiệm vụ này do Bộ Xây dựng chủ trì, các Bộ gồm: Công an, Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp tỉnh phối hợp.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam vẫn có xếp hạng cao về chỉ số này, nhưng so với bảng xếp hạng năm trước đã bị giảm 3 bậc do những vướng mắc liên quan tới Nghị định 59.
“Cũng phải thấy rằng dù chúng ta xếp hạng cao, nhưng trong thực tế, doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương vẫn rất không hài lòng về lĩnh vực cấp phép xây dựng. Chúng ta được điểm cao vì quy định không mất phí khi làm thủ tục, còn WB không đo lường chi phí không chính thức. Nhưng thủ tục phức tạp, thời gian quá dài, rất khó nói rằng không có chi phí không chính thức. Nói cách khác, đo lường của WB chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam về cấp phép xây dựng Theo tôi, cơ quan quản lý hiện đang “ôm” quá nhiều thẩm quyền, như thẩm định công trình xây dựng, điều đó cần phải cải cách”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.