Chứng khoán tuần 7/10-11/10, sau tuần giao dịch giảm điểm trước đó, thị trường giao dịch tuần này trong sắc xanh tích cực, tuy nhiên thanh khoản lại sụt giảm đặc biệt là tại phiên giao dịch ngày thứ Sáu với điểm nhấn duy nhất là nhóm cổ phiếu Vingroup.
Phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần này diễn ra trong sắc đỏ và có thời điểm VN-Index xuống đến mốc 1.264,65 điểm. Tuy nhiên những phiên sau đó, lực cầu dần cải thiện với điểm nhấn khởi sắc của phiên ngày thứ Tư giúp cho VN-Index kết tuần tiến lên mốc 1.288,39 điểm (tương ứng +17,79 điểm tức +1,40%). HNX-Index kết tuần tại mốc 231,37 điểm (-1,30 điểm, tương ứng -0,56%).
Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên mua với 172 cổ phiếu tăng giá, 66 cổ phiếu tham chiếu, 123 cổ phiếu giảm giá tại HOSE. HNX giao dịch với 66 cổ phiếu tăng giá, 69 cổ phiếu tham chiếu và 73 cổ phiếu giảm giá.
Thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -26,23% tại HOSE và -28,05% tại HNX. Khối ngoại tuần này quay lại đà bán ròng với -316,36 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã VPB (-525,47 tỷ), HDB (-260,31 tỷ), VHM (-226,49 tỷ) và MWG (-206,62 tỷ)...ở chiều ngược lại, mua ròng TCB (+572,77 tỷ), MSN (+517 tỷ)...
Cùng với đó, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -287,83 tỷ đồng, tập trung tại các mã SHS (-120,41 tỷ), PVS (-108,56 tỷ) và IDC (-31,67 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với VC3 (+8,08 tỷ), PVI (+7,57 tỷ), HUT (+2,68 tỷ)...
Nhóm ngành tích cực nhất góp phần cho sự tăng điểm của thị trường tuần này là nhóm cổ phiếu Vingroup với các mã VHM (+5,06%), VIC (+1,95%), VRE (+3,83%)... Ngoài nhóm Vingroup, một số nhóm cổ phiếu khác cũng có diễn biến ấn tượng như nhóm công nghệ thông tin, tiêu biểu với FPT (+4,10%), CMG (+5,58%), ELC (+2,86%)...
Nhóm thực phẩm và đồ uống giao dịch ấn tượng với MSN (+7,28%), KDC (+0,79%), SAB (+1,59%), PAN (+5,63%)... nhóm cổ phiếu ngân hàng khởi sắc với VPB (+3,50%), TCB (+1,66%), CTG (+1,83%), LPB (+4,29%), ACB (+2,76%)...
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành khác chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành bán lẻ với MWG (-2,86%), DGW (-0,76%)... Nhóm ngành ô tô và phụ tùng giao dịch trong sắc đỏ với HAX (-0,91%), SVC (-4,42%), TMT (-3,38%)... Đa số cổ phiếu ngành điện có một tuần giao dịch kém tích cực, cụ thể là POW (-2,70%), REE (-1,06%), KHP (-1,42%)...
Ưu tiên các nhóm có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 tốt
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Thị trường hiện tại vẫn đang vận động ổn định tiệm cận vùng cản 1.300 điểm và bắt đầu xuất hiện diễn biến phân hóa dựa trên kết quả kinh doanh quý 3/2024.
Chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng giải ngân đối với các cổ phiếu có tín hiệu thu hút dòng tiền và bắt đầu bật tăng trở lại sau khoảng thời gian tích lũy từ 1-2 tháng trở lên.
Trong đó, nên ưu tiên hơn các nhóm ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 tốt. Một số nhóm nên lưu ý trong thời điểm này bao gồm đầu tư công, bất động sản, vận tải cảng biển.
Hạn chế mở thêm vị thế mua mới
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, song biên độ tăng điểm là khá yếu và thanh khoản sụt giảm mạnh. Khối lượng khớp lệnh trên HSX sụt giảm (-29,3%) so với mức trung bình 20 phiên, cho thấy đà tăng của chỉ số thiếu động lượng hỗ trợ nên xu hướng phục hồi tăng điểm vẫn chưa được xác nhận.
Dù đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, nhưng xu hướng chủ đạo là đi ngang, sideway trong biên độ hẹp. Dẫu sao đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy xung lực bán của tuần giảm trước đó đã suy yếu đi rất nhiều.
Chúng tôi vẫn duy trì kỳ vọng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm và hướng tới mốc kháng cự 1.320-1.330 điểm, tuy vậy với diễn biến hiện tại thị trường chắc cần thêm thời gian để tích lũy thêm động lượng.
Do tín hiệu xác nhận chưa rõ nét nên chúng ta cần hạn chế mở thêm vị thế mua mới, song tiếp tục túc tắc tăng dần tỷ trọng ở các mã đã có lợi nhuận trong danh mục. Huy động hết tổng lực mua thì cần chờ thêm tín hiệu xác nhận rõ ràng mới hành động.
Ngưỡng 1.300 điểm vẫn là mục tiêu gần nhất
Chứng khoán AIS
Chỉ số VN-Index chứng kiến phiên rung lắc trong biên độ hẹp trong ngày cuối tuần trước, lấp lại gap tăng giá khu vực 1.281-1.283 điểm điểm được tạo ra ở ngày 10/10.
Sau nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.270 điểm, thị trường đã có một tuần hồi phục, nhưng khối lượng giao dịch vẫn còn thấp.
Tuần sau sẽ là tuần tăng điểm, ngưỡng 1.300 điểm vẫn là mục tiêu gần nhất. Vượt được ngưỡng điểm số quan trọng này, thì xu thế hồi phục TĂNG GIÁ của thị trường sẽ còn tích cực hơn nữa.
Nắm giữ theo xu hướng
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Trong phiên cuối tuần trước, VN-Index hình thành nến rút chân về cuối phiên, sau khi lấp vùng gap tăng điểm quanh mốc 1.284 điểm. Sự đảo chiều về trạng thái giao dịch ngay trong phiên cho thấy dòng tiền bắt đáy đã chủ động chiếm lại ưu thế.
Mặc dù áp lực rung lắc có thể đan xen trong quá trình hồi phục của chỉ số, cơ hội chinh phục mốc cản gần và xa hơn tại 1.300 điểm vẫn đang rộng mở.
Ngoài vị thế đang nắm giữ theo xu hướng, nhà đầu tư có thể kết hợp trải mua thêm một phần tỷ trọng trading gối đầu khi chỉ số hoặc các mã cổ phiếu mục tiêu điều chỉnh về lại hỗ trợ.
Duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi
Chứng khoán Asean
Chúng tôi đánh giá tốt về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tuy nhiên nhà đầu tư nên lưu ý tới rủi ro tiềm ẩn có thể đến từ các thông tin của thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian tới, do đó cần quan sát các thị trường thế giới chặt chẽ để xác nhận liệu xu hướng tăng có thể tiếp diễn trong bao lâu.
Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi, cơ cấu danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu lớn về mức hấp dẫn.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.