Gần 4 năm chưa xong quy hoạch, Bộ Công Thương nói gì về điện 8?

Quy hoạch điện 8 là một trong số ít quy hoạch ngành, quốc gia của Việt Nam được triển khai từ năm 2019. Đến nay đã gần 4 năm, qua 4 lần dự thảo và cơ bản được hoàn thiện...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Quy hoạch điện 8 đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản gồm nguyên tắc cung ứng đủ điện cho nền kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, bảo đảm phù hợp cơ cấu giữa các nguồn điện, cả điện nền, cả phủ đỉnh, an toàn cho hệ thống, cân đối giữa các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải. Trong đó phải nói đến là đã quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giá thành điện năng đáp ứng được khả năng thanh toán của các đối tượng sử dụng điện.

Đó là thông tin được người đứng đầu Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị với các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mới đây.

Sau khi nghe những kiến nghị của đại diện hiệp hội, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về vấn đề năng lượng sạch và Quy hoạch điện 8, người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng hạ tầng điện, hạ tầng giao thông bao giờ cũng phải đi trước một bước. Do tính chất phức tạp, vừa phải khắc phục tồn tại trong quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch trước đó, vừa bị tác động nhiều chiều cả điều kiện hoàn cảnh trong nước, cả những cam kết quốc tế.

Quay trở lại với câu chuyện Quy hoạch điện 8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngoài những nguyên tắc như đã nói ở trên, thực hiện nghiêm túc cam kết của Việt Nam tại COP 26, COP 27 cũng như trong các diễn đàn quốc tế về chuyển dịch năng lượng, Việt Nam cam kết và sẽ thực hiện được mục tiêu trung hoà carbon năm 2050 bằng nỗ lực của mình, và bằng những cam kết của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam nói riêng và đối với các nước phải thực hiện cam kết này nói chung.

Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về Quy hoạch điện 8?

Và trong Quy hoạch điện 8 đã mở hướng có thể khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần chuyển dịch năng lượng cho khu vực và thế giới. Cụ thể là có thể phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió, nhất là gió ngoài khơi để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các quốc gia hoặc xuất khẩu gián tiếp thông qua điều chế halogen, các pin năng lượng sạch hoặc các hình thức xuất khẩu khác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Đặc biêt, theo người đứng đầu ngành Công thương Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cả điện mặt trời, điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, điện sinh khối, cũng như các nguồn điện Việt Nam có lợi thế, thực hiện mục tiêu chuyển đổi nhiên liệu của các nhà máy nhiệu điện than, nhiệt điện khí bằng các hình thức đốt kèm, phát triển các ngành sản xuất mới như là hydro, pin năng lượng sạch…

Được biết, đến thời điểm hiện tại Bộ Công Thương đang cùng với tư vấn gấp rút hoàn thiện và dự kiến trình Thủ tướng phê chuẩn, chậm nhất là trung tuần tháng 5 năm nay. Sau khi Quy hoạch điện 8 được duyệt, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch, đề xuất các chính sách triển khai thí điểm để thực hiện.

Về Quy hoạch điện 8, hồi cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Quy hoạch điện 8 là cơ sở pháp lý căn bản để triển khai các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua nhiều lần chỉnh sửa và đệ trình lại, cho tới nay, dự thảo Quy hoạch điện 8 vẫn chưa được thông qua.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, có nhiều lý do dẫn đến việc Quy hoạch điện 8 phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc chậm tiến độ phê duyệt. Như trong năm 2022, Bộ Công Thương phải sửa đổi Quy hoạch điện 8 để phù hợp với những cam kết tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Trong khi đó, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Quy hoạch điện 8 là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng. Nhưng, tiến độ lập quy hoạch chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Xem thêm

Đề xuất không đưa 5 dự án điện than vào quy hoạch điện VIII

Đề xuất không đưa 5 dự án điện than vào quy hoạch điện VIII

Theo Bộ Công Thương, hiện còn 5/12 dự án nhiệt điện than với tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư nhưng có khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn. Vì vậy, bộ này đề nghị không đưa 5 dự án vào Quy hoạch điện VIII và sẽ cân đối, bù bằng các nguồn

Có thể bạn quan tâm