Tính đến đầu tháng 11/2018, tỉnh Bình Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 4 dự án du lịch, hiện toàn tỉnh có 390 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 59.290 tỷ đồng và có 184 dự án đi vào hoạt động.
Mục tiêu đến năm 2020, Bình Thuận phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước xây dựng Phú Quý là điểm du lịch quốc gia, Phan Thiết trở thành đô thị du lịch.
Để thực hiện mục tiêu trên, Bình Thuận sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, thân thiện của người dân và du khách trong hoạt động du lịch; thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.
“Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch, tăng 11,4% so cùng kỳ năm ngoái, trong đó có khoảng 495.000 lượt khách quốc tế, tăng 13,3%. Doanh thu từ du lịch đạt 9.565 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Đặc biệt, tích cực giải quyết các vướng mắc để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và đầu tư các dự án du lịch vào hoạt động, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng để giao cho nhà đầu tư khác thật sự có năng lực.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng giao thông, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hợp tác liên kết phát triển du lịch, hoạt động quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, để du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận đang tập trung huy động mọi nguồn lực, để khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Hiện tỉnh đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Nâng cao nhận thức xã hội về phát triển du lịch; Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh cho du khách; Tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực mạnh xây dựng các tổ hợp du lịch, khu du lịch cao cấp gắn liền với khu vui chơi, giải trí biển, biến Mũi Né thành trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới; Tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch và đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch.
Với những định hướng phát triển dài hạn và bền vững, du lịch Bình Thuận không chỉ trở thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương mà còn là điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam, hướng tới điểm đến mang tầm quốc gia và khu vực.