Điểm sáng trong bức tranh tối màu của ngành bất động sản
Nói như vậy có lẽ không quá vì theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong năm 2022 đạt mức cao nhất trong 5 năm qua là 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Ngành kinh doanh bất động sản vẫn đứng thứ hai về thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam.
Vì theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng sẽ tiếp tục được cải thiện khi Việt Nam cũng như các nước trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch.
Tiếp đó, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước có xu hướng tăng, đạt mức trên 80%.
Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam là khoảng 85%; một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn. Trong khi đó, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước khi có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%.
Giá thuê bất động sản công nghiệp tăng khoảng 10% so với kỳ trước, trung bình 100 – 120 USD/m2/chu kỳ thuê và sẽ tiếp tục tăng, nhất là tại thị trường phía Nam. Tại các khu công nghiệp miền Bắc, giá thuê đất dao động từ 90 – 120 USD/m2/chu kỳ thuê.
Còn theo báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, tính đến cuối năm 2022 tại khu vực miền Nam, bất động sản công nghiệpphía Nam tiếp tục xu hướng tăng 3% so với quý trước và tăng 10% so với năm 2021.
Giá thuê bất động sản công nghiệp phía Nam đạt mốc bình quân khoảng 3,8 triệu đồng/m2 trên cho một chu kỳ thuê. Riêng quý cuối năm 2022, diện tích bất động sản công nghiệp cho thuê đạt 28.170 ha, tăng 12% so với cùng kỳ 2021.
Cushman & Wakefield đánh giá, trong bối cảnh giá bất động sản công nghiệp tại các thủ phủ công nghiệp tăng cao, nhà đầu tư sẽ hướng tới những vị trí xa hơn, có giá mềm hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ để giảm chi phí.
Còn theo báo cáo của Savills Việt Nam cho hay, đến cuối năm 2022, giá thuê trần (cao nhất) bất động sản công nghiệp tại TP. HCM ghi nhận chạm mức 300 USD/m2 một chu kỳ thuê và tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối.
Tại các vùng lân cận như Long An và Bình Dương, giá thuê bất động sản công nghiệp cũng đã lên đến gần 180 USD/m2 một chu kỳ thuê, trong khi nguồn cung có sẵn không quá nhiều. Theo đó, đà tăng giá thuê đất tại các thủ phủ công nghiệp phía Nam kéo dài trong nhiều năm qua và liên tục lập đỉnh mới.
Còn theo khảo sát của Collier Việt Nam, đến cuối năm ngoái, giá thuê bình quân bất động sản công nghiệp tại TP. HCM đạt 204 USD/m2 cho kỳ hạn thuê, tăng 2% so với quý trước. Mặc dù trong điều kiện không có thêm nguồn cung mới, tỷ lệ lấp đầy cũng tăng nhẹ từ 91% lên 92%.
Đơn vị này nhận định nguồn cung bất động sản công nghiệp mới tại thị trường phía Nam trong năm 2023 sẽ phủ sóng về các tỉnh, vùng phụ cận, hay thậm chí còn xa hơn.
Bất động sản công nghiệp sẽ vẫn trên đà tăng giá
Theo ông Neil Alexander Macgregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam dự báo nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn tiếp tục cao trong năm nay. Xu hướng gia tăng đầu tư là các sản phẩm chuyên biệt như nhà kho xây sẵn (RBW), nhà xưởng xây sẵn (RBF), logistics (kho bãi hậu cần), data centers (trung tâm dữ liệu)...
Đồng ý với những đánh giá trên, ông Đặng Duy Linh - Tổng Giám đốc, trưởng bộ phận nghiên cứu Homeup cũng cho biết, tình hình thế giới trong thời gian qua có nhiều biến động, đặc biệt đại dịch COVID-19 đã là đứt gãy các chuỗi cung ứng và 'đại công xưởng' lớn nhất là Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-Covid.
Do vậy, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới tái cấu trúc dòng vốn và chuyển địa điểm đầu tư xưởng, nhà máy tại các khu vực mới. Trong thời điểm này Việt Nam là điểm sáng trong việc thu hút các doanh nghiệp FDI về đầu tư tại Việt Nam, hàng loạt khu công nghiệp tỷ đô được xây dựng, và đây là cơ hội vàng để chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong năm 2022, chúng ta biết Việt Nam đón nhận lượng lớn vốn FDI kỷ lục bất chấp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều dự án FDI lớn với quy mô hàng tỷ USD lớn được cấp chủ trương đầu tư tại Việt Nam.
Việc triển khai các dự án sẽ góp phần kích hoạt lại dòng tiền cho nền kinh tế và giúp bất động sản, mà trước hết là bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh. Cơ hội rõ rệt, tuy nhiên các địa phương cũng phải sẵn sàng chuẩn bị mặt bằng cho sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cũng như điều kiện về cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển, năng lượng...
Với nhu cầu cấp bách trong một thời gian ngắn và làn sóng dịch chuyển các nhà máy về Việt Nam như trên, ông Linh dự đoán giá bất động sản công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2023 và các năm tới.
"Hiện tại, giá thuê bất động sản công nghiệp vào khoảng 220 USD/m2 mà nhiều doanh nghiệp còn khó tìm được mặt bằng. Trong khi đó, người dân lại muốn giải tỏa, đề bù cho đất làm khu công nghiệp giá cao nhất. Giải phóng mặt bằng xong, chủ đầu tư phải thêm nhiều chi phí như; thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái tại các khu công nghiệp thì hiển nhiên giá sẽ còn tăng cao trong thời gian tới", ông Linh nhận định.