Chủ tịch Bùi Ngọc Bảo hé lộ tỷ lệ cổ tức dài hạn sẽ không thấp hơn 12%
Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX) đã tổ chức buổi gặp gỡ, chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư trước ngày lên sàn chứng khoán. Thời gian niêm yết cổ phiếu PLX dự kiến vào ngày 21/4/2017 với khối lượng hơn 1,29 tỷ cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Petrolimex được thành lập từ năm 1956 và là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu hàng đầu Việt Nam, chiếm khoảng 50% thị phần cả nước. Năm 2011, công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào với số vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng. Đến năm 2016, vốn điều lệ Tập đoàn đã tăng lên 12.939 tỷ đồng sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là JX Nippon Oil & Energy Corporation (JX NOE - Nhật Bản), nắm giữ 103,5 triệu cổ phiếu chiếm 10% vốn điều lệ.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex, với quy mô vốn lớn thì Petrolimex chắc chắn sẽ lọt vào nhóm VN30- cổ phiếu vốn hoá lớn nhất thị trường khi lên sàn. Tập đoàn chọn niêm yết trên HoSE cũng bởi sàn chứng khoán này quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn đối với các doanh nghiệp, tiệm cận chuẩn mực với các sàn quốc tế.
Các nhà đầu tư cũng hỏi về giá tham chiếu cổ phiếu PLX và thời điểm niêm yết, cổ tức trong các năm tới?
Dù chưa công bố mức giá cụ thể song ông Bảo cho biết, giá chào sàn cổ phiếu PLX sẽ không thấp hơn mức giá đã phát hành cho JX Nippon Oil & Energy Vietnam (JXVE), một công ty thuộc Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản JX Nippon Oil & Energy. Trước đó, năm 2016 đối tác JXEV đã mua 103,5 triệu cổ phiếu PLX, tương ứng 8% cổ phần Petrolimex với mức giá khoảng 39.000 đồng/CP. Như vậy, khả năng giá chào sàn của PLX sẽ không thấp hơn 39.000 đồng/CP.
Giá cổ phiếu sẽ do thị trường quyết định. Nhưng theo ông Bảo, thị trường OTC đang ghi nhận mức giá cổ phiếu Petrolimex tương đối hợp lý (khoảng 50.000 đồng/CP ngày 29/3). Trong 3-5 năm tới, khi hoạt động của Petrolimex tăng trưởng tốt hơn thì nhiều khả năng giá cổ phiếu sẽ đạt được kỳ vọng của nhà đầu tư ở mức cao hơn.
Về cổ tức hàng năm, chủ tịch Petrolimex thừa nhận cổ tức của một doanh nghiệp lớn thực sự là áp lực với ban điều hành, phải làm sao tương xứng và tạo được lòng tin với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, hoạt đông kinh doanh xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường (Nghị định 83), bám sát diễn biến giá thế giới, có nhiều rủi ro…
Năm 2016, Petrolimex ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất là 123.097 tỷ đồng, bằng 84% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2016 đạt 5.165 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của công ty mẹ là 4.665 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2015. Đối với năm 2016, cổ tức không thể thấp hơn năm 2015 và đến ĐHĐCĐ ngày 25/4 tới sẽ chính thức quyết định việc chia cổ tức cụ thể. Trong dài hạn Petrolimex cam kết tỷ lệ cổ tức không thấp 12%. Tỷ lệ cổ tức của Petrolimex được hé mở “sẽ đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư”.
Hải Hà