Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu quý 2/2023 nhi nhận như sau: thịt lợn 1.133,6 nghìn tấn, tăng 5,4%; thịt gia cầm đạt 503,6 nghìn tấn, tăng 6,4%; thịt bò đạt 114,8 nghìn tấn, tăng 2,3%; thịt trâu đạt 28,4 nghìn tấn, tăng 0,9%, trứng đạt 4.388,2 triệu quả, tăng 3,9% và sữa đạt 339,3 triệu lít, tăng 8,3%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn đạt 2.325,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ; thịt gia cầm đạt 1.041,8 nghìn tấn, tăng 4,8%; thịt bò đạt 245,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; thịt trâu đạt 61,24 nghìn tấn, giảm 0,9%, trứng đạt 9.096 triệu quả, tăng 4,2% và sữa đạt 662,8 triệu lít, tăng 8,4%.
Về số đàn, Tổng cục Thống kê ước tính tổng số trâu của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2023 giảm khoảng 1,7%; tổng số bò tăng khoảng 0,9%; đàn lợn tăng 2,5%, số gia cầm tăng khoảng 0,9% so với cùng thời điểm năm 2022.
Đặc biệt, giá thịt lợn tháng Sáu tăng 3,16% so với tháng trước do nhu cầu trên thị trường tăng vào mùa du lịch.
Tổng Cục thống kê đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định nhờ dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ cho người chăn nuôi.
Để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và lâu dài, Tổng Cục thống kê khuyến cáo các cơ quan quản lý cần đưa ra các định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn từ ngắn hạn đến dài hạn. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để chăn nuôi an toàn sinh học, khả năng kiểm soát dịch bệnh, bao tiêu sản phẩm đầu ra; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và ưu đãi tín dụng cho người chăn nuôi.
Trong tháng 6 năm 2023, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 44 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.