Sau thời gian hạ nhiệt, giá vé máy bay các chặng nội địa có xu hướng tăng cao trở lại, đặc biệt là thời điểm cuối tuần. Du khách bắt đầu chuyển hướng lựa chọn du lịch quốc tế, đặc biệt các nước trong khu vực Đông Nam Á.
BIẾN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG GIÁ VÉ MÁY BAY
Khảo sát trên website đặt vé của các hãng hàng không cho thấy, hiện giá vé máy bay các chuyến nội địa hầu như đều được điều chỉnh theo hướng tăng. Đặc biệt, các chuyến bay đi đến các tỉnh có nhiều điểm du lịch, nghỉ dưỡng như: Đà Nẵng, TP.HCM, Côn Đảo, Đà Lạt… giá vé đang rất “nóng”. Các chuyến bay vào dịp cuối tuần cũng có giá cao hơn ngày thường bởi sự gia tăng nhu cầu đi lại của người dân.
Giá vé các chuyến bay thời điểm giữa tháng 7 có chiều hướng tăng từ 500.000 – 1,5 triệu đồng/vé so với thời điểm trước đó. Từ ngày 17/7 đến cuối tháng 8, với chặng bay Hà Nội – TP.HCM giá vé một chiều hạng phổ thông của Vietnam Airlines, Vietjet Air giao động từ 1,8 - 3,5 triệu đồng (chưa bao gồm phí, thuế).
Tương tự với chặng bay Hà Nội – Côn Đảo cũng đang có giá dao động từ 4,7 – 5,2 triệu đồng/vé đối với hạng phổ thông và trên 9 triệu đồng/vé đối với hạng thương gia của hãng Vietnam Airlines. So sánh, Mức giá này cao hơn từ 1,1 - 2,3 triệu đồng so với thời điểm cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Chia sẻ về xu hướng lựa chọn chặng bay, chị Thanh Nga (phòng vé máy bay 193 Văn Cao – Hải Phòng) cho biết: “Giá vé máy bay thời điểm này đang tăng cao. Điển hình, khoảng 2 tuần trở lại đây, giá vé đi Đà Nẵng cao đột biến, mà vẫn khan hiếm, không có vé để đặt do là thời điểm diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế”.
“Có thể sau khi kết thúc lễ hội, giá vé đi Đà Nẵng sẽ hạ nhiệt nhưng không đáng kể vì từ nay đến cuối tháng 8 nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn rất cao”, với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động dịch vụ du lịch, chị Nga nhận định.
Như mọi năm, trong khoảng thời gian giữa tháng 7 đến hết tháng 8, nhu cầu du lịch của người dân ngày càng cao do là giai đoạn cuối của kỳ nghỉ hè, học sinh lại vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên nhiều gia đình có xu hướng bắt đầu kỳ nghỉ dưỡng. Các công ty lữ hành cũng dự đoán giá vé máy bay thời gian tới sẽ còn nhiều biến động.
GIÁ VÉ TĂNG, DU KHÁCH CHUYỂN HƯỚNG
Trước thông tin về giá vé máy bay có chiều hướng tăng mạnh khiến cho nhiều người thay đổi phương án đi du lịch. Thay bằng đi những điểm du lịch phải di chuyển bằng máy bay thì người dân lựa chọn những điểm du lịch gần hơn, có thể di chuyển bằng xe ô tô khách hoặc xe ô tô cá nhân.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, người dân có xu hướng tìm kiếm thông tin về những tour du lịch quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á do thuận tiện cho việc đi lại, thủ tục xin visa cũng đơn giản nhanh gọn. Thậm chí giá vé máy bay “mềm” hơn nhiều chặng trong nước như các chuyến bay đi Thái Lan, Singapore, Malaysia…
Cục Hàng không Việt Nam từng lý giải nguyên nhân vé máy bay trong nước tăng cao. Theo đó, giá vé máy bay nội địa tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của Nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận các tàu bay mới và chi phí bảo dưỡng tàu bay dừng khai thác tăng; giá thuê tàu bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Số liệu từ Cục Hàng không cho thấy, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam tính đến tháng 5 năm nay là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.
Cùng với đó là kế hoạch nhận tàu bay của các hãng trong năm 2024 bị ảnh hưởng. Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào, Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 2 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7, các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.
Sau khi nhìn nhận vấn đề cốt lõi, Cục Hàng không đã sớm triển khai các giải pháp để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác và đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không của hành khách.
Thực hiện chỉ đạo, nhiều hãng hàng không cũng có động thái tăng cường chuyến bay khung giờ buổi đêm nhằm giảm bớt chi phí, phục vụ nhu cầu của người dân. Như Vietnam Airlines đã tăng cường khung giờ bay đêm với giá vé giảm từ 500.000 đồng – 3 triệu đồng so với khung giờ ban ngày. Tương tự, các chuyến bay khung giờ từ 19h-22h của Vietjet Air cũng giảm một nửa so với ban ngày.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều du khách, họ không muốn lựa chọn khung giờ bay đêm vì có nhiều vấn đề bất cập. Có thể kể như bất tiện về mặt thời gian, nếu bay chặng ngắn và đến điểm du lịch lúc nửa đêm sẽ khó khăn trong việc check in nơi lưu trú, du khách sẽ cảm thấy mệt mỏi khi phải chờ đợi…
Theo đánh giá của Cục Hàng không, để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa người tiêu dùng và sự phát triển của ngành hàng không về vấn đề giá vé máy bay cần sự nỗ lực của ngành, kết hợp với nhiều chính sách, cơ chế đồng bộ đi kèm.
Đầu tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng công ty Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không nội địa về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ giá vé máy bay.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các Hãng tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá và các chương trình bán vé theo quy định.
Ngoài ra, các hãng hàng không Việt Nam cần xây dựng các dải giá vé linh hoạt, tiếp tục có chính sách ưu đãi về giá vé trên đường bay nội địa phù hợp với thực tiễn thị trường vận tải hàng không, cũng như nhu cầu của người dân và các chương trình du lịch, lễ hội lớn.