Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2023 "đi lùi", Bộ Tài chính nói gì?

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt 6,55% kế hoạch năm...
Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm 2023 "đi lùi", Bộ Tài chính nói gì?

Tính đến hết tháng 2/2023, vốn đầu tư công cả nước giải ngân được là 49.247,9 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó, vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).

Có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%)... Ngoài ra, có 50/52 Bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Lý giải về nguyên nhân khiến vốn đầu tư công giải ngân chậm, Bộ Tài chính cho biết, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 là trên 764.384 tỷ đồng. Tổng vốn này chưa bao gồm 6.753 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển (đã giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 18/11/2022 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023) hỗ trợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao.

Đồng thời, số vốn kể trên cũng chưa bao gồm kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang (do hiện nay các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang báo cáo cấp có thẩm quyền về việc kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch vốn các năm trước sang năm 2023). 

Như vậy, năm 2023, nguồn vốn đầu tư công là một con số khổng lồ. Tiến độ giải ngân chậm sẽ vô hình chung tạo nên áp lực lớn cho các bộ ngành trong những tháng tiếp theo để giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra.

Trước đó, khi giải trình tại Quốc hội về vấn đề vốn đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định, vướng mắc khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm nằm ở hai nguyên nhân công tác chuẩn bị đầu tư và việc thực hiện đầu tư.

"Khi có tiền, mới được lập dự án đầu tư. Thế nhưng, khi chúng ta bố trí được tiền mới lập dự án đầu tư thì hai năm sau mới giải ngân được. Để gỡ nút thắt này, chúng tôi đã kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án đầu tư khi cần thiết. Và khi được bố trí vốn đầu tư, chúng ta triển khai công tác đầu tư sẽ không có vướng mắc gì cả. Thế nhưng bây giờ chúng ta bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết", ông Phớc phân tích. 

Việc giải ngân vốn đầu tư công đang được coi là cứu cánh của nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giải ngân vốn đầu tư công tốt thì sản xuất, kinh doanh được thúc đẩy, tạo ra việc làm, tạo động lực cho phát triển, mở ra không gian mới như khu công nghiệp, khu dịch vụ..., tăng cường kết nối địa phương, vùng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng năng lực sản xuất cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng khẳng định: "Chúng ta phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp ngay từ những tháng đầu năm thì sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng nguồn lực và động lực của sự phát triển; đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn". 

Tuy nhiên, với lý giải của Bộ Tài chính cùng những hạn chế tồn động trong các thủ tục pháp lý, cách thức triển khai dự án đầu tư công thì áp lực của Bộ Tài chính trong việc tìm ra phương án phù hợp nhất để hỗ trợ các bộ ngành và đơn vị liên quan tháo gỡ khúc mắc vẫn còn rất lớn và là một vấn đề hóc búa. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm