Theo đó, cổ phiếu SJC (phải giao dịch trên UPCom) đã có 8 phiên tăng, trong đó có 7 phiên trần. Thị giá cổ phiếu đã tăng từ vùng giá 1.600 đồng/cp lên tới 3.100 đồng/cp (ngày 23/09).
Lưu ý, trong nhiều năm nay, cổ phiếu SJC liên tục dính án phạt của Sở Giao dịch chứng khóan Hà Nội (HNX). Trong đó có thể kể đến như lệnh buộc tạm ngừng giao dịch vào tháng 7/2020 do chậm công bố BCTC 3 năm liên tục.
Đặc biệt, từ ngày 24/06/2021, hơn 7,2 triệu cổ phiếu SJC đã bị hủy niêm yết bắt buộc cũng vì do chậm nộp BCTC bắt buộc trong 3 năm liên tiếp.
Từ tháng 07/2021, cổ phiếu SJC tiếp tục bị HNX hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM, chỉ được giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần, do bị hủy niêm yết nhưng vẫn chưa khắc phục hậu quả.
Tháng 11/2021, UBCKNN đã phạt SJC 100 triệu đồng do không công bố thông theo quy định.
Tháng 5/2022, cổ phiếu SJC tiếp tục bị HNX duy trì tình trạng hạn chế giao dịch do tiếp tục chậm nộp BCTC bắt buộc năm 2021.
Nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần đây, cổ phiếu SJC luôn trong tình trạng dư mua và giao dịch nhộn nhịp. Điều này cho thấy đang có dấu hiệu nhiều cổ đông Sông Đà 1.01 đang tiến hành thoái vốn khỏi công ty.
Về tình hình kinh doanh, BCTC quý 2 của Sông Đà 1.01 cho thấy, tổng tài sản của SJC hơn 1.600 tỷ đồng, nhưng hàng tồn kho (chủ yếu là sản xuất kinh doanh dở dang) lên tới gần 1.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh donah trong nửa đầu năm 2022 của SJC đang âm 45 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 53,5 triệu đồng. Kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế âm gần 45 triệu đồng (cùng kỳ năm trước lãi 42,8 tỷ đồng).
Nợ phải trả của SJC đến ngày 30/6/2022 lên tới 1.520 tỷ, trong đó quá nửa là nợ ngắn hạn.
Trong các khoản phải thu ngắn hạn, đặc biệt có khoản phải thu của ông Tạ Văn Trung – Giám đốc Công ty – lên tới 46,6 tỷ đồng, chiếm hơn 90% giá trị khoản phải thu ngắn hạn.
Ngoài ra, Sông Đà 1.01 còn ghi nhận khoản vay dài hạn đến hạn trả lên tới 511 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay của Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) 478 tỷ đồng.
Từ ngày 25/9/2018, PVcomBank đã thu giữ dự án Tokyo Tower của Sông Đà 1.01 để xử lý nợ theo quy định. Do chủ đầu tư không thực hiện đúng các cam kết về thanh toán với ngân hàng.
Ngoài ra, SJC còn đang nợ vay để thực hiện dự án “Tổ hợp thương mại, văn phòng và nhà ở Viễn Đông Star (Tên trước là Eco Green Tower) tại số 1 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Đáng chú ý, dự án Viễn Đông Star do SJC làm chủ đầu tư đã bàn giao, đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.